Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Đừng “siết” nữa, dân khổ lắm rồi!


Đừng “siết” nữa, dân khổ lắm rồi!

Dự thảo với hơn 1.000 loại phí và lệ phí về nông nghiệp vừa được trình lấy ý kiến của Quốc hội làm cho bất cứ ai cũng phải giật mình. Nếu cứ mạnh tay thu phí như thế này thì người dân sẽ kiệt quệ và chẳng mấy lúc chẳng còn gì để thu


Sau khi đọc bản tin của một số tờ báo tường thuật phiện họp Quốc hội (QH) vào ngày 10-8, nhiều bạn đọc không tin nổi con số hơn 1.000 loại phí và lệ phí đánh vào nông nghiệp được trình lấy ý kiến QH. Con số này quả là không tưởng nổi đối với một ngành nông nghiệp kém phát triển và mấy chục triệu nông dân còn quá khó khăn như ở nước ta.

Không đủ ăn lấy gì đóng phí?

Không cần nói thì ai cũng có thể hình dung cuộc sống của người dân ở vùng nông rất thiếu thốn. Một bộ phận lớn người dân còn nghèo, sống rất vất vả, thậm chí thiếu đói khi mùa giáp hạt. Hầu như họ chỉ đủ lo toan, chạy ăn từng bữa mà không có tích lũy gì nhiều, không lo nổi cho con cái ăn học đàng hoàng. Những loại phí “dài dằng dặc” kia thì rất “vô tư’ vẫn đều đặn có người đến thu đã và đang là gánh nặng đối với cuộc sống của họ.


Cuộc sống ở quê quá khó khăn, những đứa trẻ vào các thành phố kiếm sống. Ảnh: Hoàng Triều
Cứ tưởng là phí thì mức thu không lớn lắm, nhưng với thu nhập ít ỏi, nếu đóng những khoản thu này thì có khả năng gia đình, con cái của họ phải mất đi nhiều bữa ăn, giấc ngủ càng trằn trọc hơn vì bao lo toan về cuộc sống. Chúng ta không quá khó để có thể nhìn thấy rất nhiều mái nhà xiêu vẹo, rách nát ở bất cứ vùng nông thôn nào. Nông dân còn nghèo lắm, từng đồng đối với họ là mồ hôi, nước mắt trải ra trên cánh đồng. Thu gì thì phải cân nhắc chứ không thể ồ ạt như thế.

Ví dụ về một trường hợp cụ thể, bạn đọc Thanh Hà, kể: “Vợ chồng chị tôi có 3 con. Cả nhà sống nhờ vào 3 sào ruộng và miếng vườn. Lúa làm ra không đủ cho gia đình ăn giáp hạt. Trồng rau quanh vườn cao lắm mỗi ngày thu hoạch được 20.000 đồng. Chồng thì làm thuê lúc được lúc không, rảnh rỗi thả câu kiếm dăm ba con cá cải thiện bữa ăn gia đình. Việc kiếm khoai sắn ăn trừ bữa diễn ra thường xuyên. Những đứa trẻ nhiều hôm nhịn đói đến trường trong manh áo cũ mèm, vá víu. Bao nhiêu năm nay chị trốn đóng những khoản phí mà địa phương thu. Đơn giản là chẳng có gì để đóng và nếu đóng thì con cài càng thiếu thốn”.


Người mẹ nghèo này vất vả buôn bán ở TP HCM để kiếm thêm ít tiền lo cho con cái ở quê. Ảnh: Hoàng Triều
Với thu nhập quá thấp như phần lớn người dân nông thôn hiện nay, họ không thể đầu tư được gì nhiều cho con cái. Một đứa trẻ bước vào học cao đẳng hoặc đại học thì học phí một năm mất khoảng 20 triệu đồng, Tiền ở trọ, chi phí sinh hoạt thêm khoảng 30 triệu đồng nữa. “Chỉ hai khoản này thôi thì thu nhập của phần lớn hộ nghề nông chẳng thể nào kham nổi. Điều đó có nghĩa con họ thất học và tương lai chờ đợi chúng sẽ là cái cuốc và miếng ruộng. Cứ thế, tình cảnh này sẽ tiếp tục lặp lại ở đời cháu...” - bạn đọc Trần Văn Tí Em phân tích.

Dân khổ lâu rồi

Sau khi Chủ tịch QH, ông Nguyễn Sinh Hùng bức xúc trước hàng ngàn loại phí trên thì các đại biểu, các vị bộ trưởng cũng “bức xúc” theo về sự bất cập trong việc thu phí, lệ phí hiện nay.

Nhiều bạn đọc ngạc nhiên: “Ô hay, những bất cập này, những nỗi khổ này người dân đã thấy và đã chịu bao nhiêu năm nay rồi, có gì mà các vị lãnh đạo lại “ngỡ ngàng” thế. Bao nhiêu năm qua người dân than trời, kiến nghị hoài trong các cuộc tiếp xúc cử tri hằng năm đấy thôi chứ có mới mẻ gì đâu các vị có vẻ khó hiểu. Vấn đề khó hiểu nhất chính là nó phi lý, khốn khổ với người dân bao nhiêu năm qua nhưng chẳng thấy thay đổi”.


Cuộc sống ở nông thôn quá khó khăn đã đẩy bà mẹ già này vào thành thị kiếm sống. Ảnh: Hoàng Triều
Điều này cũng được chứng minh rõ qua trình bày của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Sau khi QH cho ý kiến lần đầu về dự án này tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, thường trực ủy ban này và Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương rà soát, sắp xếp, bãi bỏ 5 khoản phí và 6 khoản lệ phí, chuyển 4 khoản phí sang giá và bổ sung 6 khoản phí khác.

Với một “rừng” phí như thế, qua một kỳ họp QH mà chỉ bỏ vài loại phí, lệ phí trong khi bổ sung thêm 6 loại phí mới thì có gì là đổi mới? Hình dung với hơn 1.000 loại phí, lệ phí “thấu trời” hiện nay mà muốn thay đổi như ý Chủ tịch QH “thu phí nhiều quá, dân sống sao nổi” thì chẳng biết đến bao giờ.

“Khoan sức dân là đường lối trị nước của bao vị vua hiền của dân tộc từ bao đời nay. Nhờ đó mà lòng dân một mối, gắn kết cộng đồng giành thắng lợi trong tất cả các cuộc chống ngoại xâm giành độc lập, xây dựng đất nước. Dân giàu thì nước mạnh. Cứ thoải mái thu như thế này thì dân khó thoát nghèo chứ nói gì đến giàu” - bạn đọc Thanh Lê nói thẳng.


Theo Phạm Hồ (Người lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét