Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015
Phong trào phản biện xã hội tiếp tục bùng nổ ở Việt Nam
Phong trào phản biện xã hội tiếp tục bùng nổ ở Việt Nam
Hôm nay 12/8/2015, nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập và công dân công bố bản Tuyên bố về các dự án tượng đài trăm tỷ, ngàn tỷ. Không chỉ được ký tên bởi những hội đoàn quen thuộc như Diễn đàn xã hội dân sự, Hội nhà báo độc lập VN, Văn đoàn độc lập VN, Bauxite VN…, bản tuyên bố này còn được sự hưởng ứng của nhiều công dân mà trước đây không trực tiếp tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền.
Trẻ em vùng cao Sơn La đang sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh. Ảnh Vnexpress
Đất nước đang đứng trước những thử thách sống còn. Độc lập, toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, uy hiếp từng ngày, từng giờ. Quản lý kinh tế yếu kém cùng tham nhũng bạo phát làm thất thoát trầm trọng tiền vốn và nguồn lực đất nước, làm ngân sách trống rỗng, dẫn đến tình trạng công nợ ngập đầu và vắt kiệt sức dân - bản tuyên bố lên án.
Hàng loạt dẫn chứng đã được bản tuyên bố nêu ra:
Quảng Nam đất nghèo, dân đói, giáp hạt nhiều năm phải xin nhà nước cứu đói mỗi năm hơn ngàn tấn thóc, không có tiền cho những dự án, công trình kinh tế, cho hạ tầng cơ sở vật chất nhưng tỉnh vẫn thản nhiên dốc hơn 400 tỷ ngân sách xây tượng đài Mẹ Việt Nam rồi để tượng xuống cấp nhanh chóng, không cần biết dân chúng có ngó ngàng hay không.
Sơn La miền núi heo hút, kinh tế chỉ trông vào rừng, mà rừng đã bị tàn phá trống trơ. Tỉnh có tới 71.000 hộ nghèo, không đủ cơm ăn, áo mặc. Các bản làng đều thấy những mái trường tranh tre nứa lá dột nát, xiêu vẹo, tuềnh toàng như chòi canh nương, học trò còm cõi, tả tơi. Nghèo đói thiếu thốn hơn cả Quảng Nam, vậy mà HĐND Sơn La vừa thông qua chủ trương xây dựng tượng đài và quảng trường Hồ Chí Minh với chi phí 1.400 tỷ đồng – số tiền đủ ngói hóa toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi!
Không phải chỉ có một tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La. Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ VH - TT & DL vừa quy hoạch một hệ thống tượng đài Hồ Chí Minh đến 2030, Thủ tướng đã phê duyệt, với 14 tượng đài Hồ Chí Minh sẽ còn tiếp tục được mọc lên khắp 3 miền: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Trong khi đó, có tới 58 địa phương đang xin xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh. Sơn La chỉ là trường hợp vừa được phê duyệt "bổ sung" trong quy hoạch đến 2030. Nguồn vốn còm cõi của đất nước sẽ còn bị cơn bão tượng đài oan nghiệt tới tấp thổi bay hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng tiền tận thu suy kiệt sức dân, tiền ngửa tay vay nước ngoài đầy rủi ro, hiểm họa.
Xây dựng tượng đài chỉ là cách ngụy biện vụng về, trơ trẽn nhằm lấp liếm cho những chục tỷ, trăm tỷ đồng rút ruột công trình, cốt tư túi.
Bản tuyên bố nghiêm khắc đòi hỏi nhà nước khẩn cấp hủy bỏ những dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, chặn đứng nguy cơ vơi hụt đáng kể quỹ ngân sách vốn eo hẹp, tạo thêm bất ổn mâu thuẫn xã hội đã và đang chồng chất.
Phong trào xã hội phản đối xây dựng tượng đài đã bước đầu thành công. Sau những giải trình lúng túng, chính quyền Sơn La có thể phải ‘xem xét lại’ dự án có rất nhiều dấu hiệu kê khống giá trị của giới quan chức tham lam vô hạn độ.
Từ đầu năm 2015 đến nay, phong trào phản biện xã hội ở VN đã liên tục xuất hiện và ngày càng gay gắt, quyết liệt. Vào tháng 4/2015, lần đầu tiên phong trào xã hội ủng hộ cuộc đình công của 90.000 công nhân PouYeun lan tỏa rộng khắp đất nước. Kế đó là phong trào phản đối chiến dịch thảm sát 6.700 cây xanh tại Hà Nội và mưu đồ lấp sông Đồng Nai của các nhóm lợi ích.
Một phong trào phản biện xã hội rộng và có tính chuyên sâu nữa là phản đối việc xây dựng sân bay Long Thành có giá trị lên đến hơn 15 tỷ USD với một phần sử dụng từ nguồn vốn ODA.
Theo Lê Dung (SBTN)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét