Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Một cổ, hai tròng…


VNTB - Một cổ, hai tròng…

Nguyễn Tuấn (VNTB) Hiện nay một chuyến xe đầu kéo từ Quảng Bình đi Vinh (200km) đã tốn hết 1.640.0000đ (66.000đ/tấn); một chuyến từ Quảng Bình đi Huế (160km) tốn hết 1.080.000đ (43.000đ/tấn). Doanh nghiệp tiết kiệm từng đồng giá thành mà lại cứ cho thu vô tôi vạ thế thì tỉnh nghèo Quảng Bình, Quảng Trị làm sao mà phát triển được.



Trạm thu phí của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh tại tỉnh Quảng Trị.

Trả phí cho đoạn đường… không hề đi


UBND tỉnh Quảng Trị cho biết Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư tăng mức thu phí đối với các phương tiện khi qua trạm thu phí đoạn quốc lộ 1, (QL1) từ TP Đông Hà đến thị xã Quảng Trị. Lý do tăng phí này là do thu gộp phí cho cả hai đoạn QL1 vừa nâng cấp - mở rộng xong: đoạn từ Đông Hà đến thị xã Quảng Trị và đoạn từ Đông Hà đến thị trấn Gio Linh.


Do thu gộp, nên mức phí mới tăng gần gấp đôi so với mức phí đang thu. Thời gian áp dụng mức phí mới là ngay sau khi đoạn QL1 Đông Hà - Gio Linh nghiệm thu xong (dự kiến sau ngày 30-8). Việc thu gộp phí của hai đoạn đường này sẽ gây ra bất hợp lý: các xe chỉ chạy trên một đoạn đường mà phải trả phí cho cả hai. Cụ thể, nếu xe chạy từ cửa khẩu Lao Bảo về Huế và các tỉnh phía Nam, chỉ đi qua đoạn QL1 Đông Hà - thị xã Quảng Trị mà không đi qua đoạn Đông Hà - Gio Linh vẫn phải trả phí cho cả hai đoạn đường này.


Cả hai đoạn QL1 vừa mới nâng cấp nói trên đều do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư theo mô hình BOT. Ông Hoàng Gia Đại, giám đốc Công ty TNHH BOT Quảng Trị (đơn vị liên danh giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh và Binh đoàn 12), cho biết việc gộp chung phí của hai đoạn QL1 này là để bớt chi phí xây thêm một trạm thu phí ở Gio Linh (để thu phí cho đoạn QL1 Đông Hà - Gio Linh). “Nếu xây thêm một trạm thu phí ở thị trấn Gio Linh thì hai trạm thu phí chỉ cách nhau 20 cây số là quá ngắn. Cách thu gộp này sẽ gây thiệt thòi cho một số chủ phương tiện, nhưng không thể nào thỏa mãn yêu cầu chi tiết của từng trường hợp được” - ông Đại nói.


Về phía tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Quân Chính - phó chủ tịch UBND tỉnh - khẳng định việc thu phí gộp như vậy là bất hợp lý và thiệt thòi cho nhiều người không sử dụng đường mà vẫn phải trả phí. Ông Chính cho rằng nhà đầu tư QL1 nên kéo dài thời gian thu phí, thay vì phải thu gộp phí tăng lên gấp đôi như thế.


Tiền chui vào “túi” nhà đầu tư




Hầm đèo Cả dự kiến hoàn thành vào năm 2016, nhưng trạm thu phí Ninh An thuộc dự án này đã thu phí từ năm 2012.
QL1A đoạn qua các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị dù chưa hoàn thành việc mở rộng, nhưng hiện đã có nhiều trạm thu phí mọc lên. Ở Nghệ An, có trạm Hoàng Mai và 2 trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 do Tổng Cty Xây dựng Công trình giao thông 4 (CIENCO 4) quản lý để thu hồi vốn dự án đường tránh Hà Tĩnh. Tháng 9-2013, trạm thu phí Hoàng Mai dừng hoạt động vì người dân đóng quỹ bảo trì đường bộ. Nhưng đến tháng 5-2015, Bộ GTVT lại cho phép liên doanh CIENCO 4 và Tổng Cty 319 được thu phí tại trạm Hoàng Mai… để hoàn vốn dự án BOT mở rộng QL1A đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát.



Về lý thuyết, người dân vẫn phải liên tục đóng phí, dù tiền thu được không nộp về ngân sách như trước mà chui vào “túi” nhà đầu tư, trong khi nhà đầu tư chỉ mở rộng thêm một phần con đường của quốc gia. Hình thức “chuyển hóa” về chủ thể thu phí tương tự này đang được áp dụng tại trạm Bàn Thạch (Phú Yên), Ninh An (Khánh Hòa), Nam Hải Vân (Đà Nẵng)… Nhà nước tránh được tiếng không thu phí chồng phí, nhưng thực chất người dân không tránh khỏi. Tại Hà Tĩnh còn có hai trạm thu phí khác là Cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên) và Đèo Ngang (Kỳ Anh).


Tại Quảng Bình, hiện có 1 trạm trên QL1A ở huyện Quảng Ninh, thu phí hoàn vốn dự án BOT đường tránh qua TP. Đồng Hới từ năm 2010. Lẽ ra Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh – nhà đầu tư – chỉ được đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, nhưng điều vô lý nhiều năm nay là Nhà nước cho phép trạm được đặt trên QL1A, thu gom cả những phương tiện không dùng sản phẩm của họ. Phương tiện đi QL1A đường cũ bị nộp phí oan, người dân gánh thêm chi phí.


Bình quân 1km/ trạm thu phí


Mật độ trạm thu phí ở đoạn đường ĐT 16, từ ngã ba Tân Vạn (giáp ranh 3 tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM) về huyện Tân Uyên (Bình Dương) có thể nói là dày đặc nhất nước. Chỉ với hơn 5km đường, nhưng có tới 5 trạm thu phí, bình quân 1km/ trạm thu phí. Người điều khiển phương tiện vừa nộp phí tại trạm đầu tiên, do Công ty CP đầu tư - phát triển Cường Thuận Idico quản lý, thì khoảng 1km nữa đã gặp trạm thu phí thứ 2, cũng của Cường Thuận Idico.


Chưa hết, vừa qua vòng xoay cầu Hóa An để sang nhánh đường trước mặt, chỉ cách trạm thu phí bên kia vòng xoay khoảng 200m, lại thêm trạm thu phí thứ 3, cũng của Cường Thuận Idico. Chừng 1km tiếp theo, sang địa phận huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, lại mọc lên một trạm thu phí thứ tư, do Công ty CP lâm sản - xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Dương quản lý. Tiếp hơn 1km nữa, là trạm thu phí thứ 5, cũng của doanh nghiệp này.


Một tài xế nói: “Tôi từng dở khóc dở mếu khi đi trên đoạn đường dày đặc trạm thu phí này. Từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TP. Thủ Dầu Một, tôi đã phải nộp 10 lần tiền phí tại 5 trạm thu phí liền kề khác thường này, gồm 2 lượt đi-về, tổng cộng 150.000 đồng. Cộng thêm 6 lần nộp phí nữa tại 3 trạm thu phí cầu Đồng Nai và QL 51, tốn kém 250.000 đồng. Tốn tiền một phần, nhưng vô cùng bực bội vì lưu thông giật cục. Biết kêu ai thấu?”.


Riêng tại 4 tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TPHCM có đến 32 trạm thu phí. Doanh nghiệp “khóc ròng”, vì ra đường là đóng tiền. Giá cước vận tải gia tăng, gánh nặng này lại bổ đều xuống toàn xã hội. Trong ảnh: Trạm thu phí cầu Đồng Nai vừa đưa vào sử dụng cũng là trạm có mức phí cao ngất ngưởng, khiến nhiều doanh nghiệp kêu trời.

Thông tư số 70, do Bộ Tài chính (ban hành ngày 7-9-2004, về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cầu, đường bộ) đã quy định rõ về khoảng cách giữa 2 trạm thu phí trên cùng tuyến đường, tối thiểu phải là 70km. Thế nhưng, ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam, quy định trên hoàn toàn không được tuân thủ. Ở Bình Phước, đoạn đường QL13 qua tỉnh này dài khoảng 32km, nhưng có tới 2 dự án đường BOT. Bất kỳ xe nào, sau khi vừa nộp phí tại trạm thu phí của dự án Tham Rớt - Bình Long, sang đường BOT của dự án An Lộc - Chiu Riêu, lại phải nộp phí.


Hay như đường ĐT 741 từ TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) lên thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) có độ dài khoảng 68km, nhưng mọc lên tới… 3 trạm thu phí. Không chỉ bất cập về mật độ phân bổ trạm thu phí, những bất cập về giá phí, cách quản lý của các trạm thu phí cũng… rối bời.


Chưa hết, cùng tuyến đường, nhưng giá phí thay đổi chóng mặt. Ví dụ trạm thu phí của Công ty Becamex ở Bình Dương thu 15.000 đồng/lượt, với chất lượng đường rất tốt. Song, qua địa bàn Bình Phước, chất lượng đường kém hơn, nhưng giá phí… 20.000 đồng/lượt. Tại trạm thu phí Tân Lập trên đường ĐT 741, giá phí trước đây chỉ 10.000 đồng/lượt, vì đường không tốt bằng đường của Becamex, thì giờ giá đã tăng lên 15.000 đồng/lượt...


Một xe tải trên 10 tấn chở hàng cho khách từ Dĩ An (Bình Dương) về huyện Long Thành (Đồng Nai), đoạn đường chỉ 30km, nhưng phải qua 4 TTP. Trạm Bình Thung (20.000 đồng/lượt), trạm Bình Thắng (15.000 đồng/lượt); đắt đỏ hơn là trạm cầu Đồng Nai (60.000 đồng/lượt) và cuối cùng là trạm Tam Phước - Đồng Nai (80.000 đồng/lượt). Tổng cộng 175.000đ tiền phí cho đoạn đường 30km và 350.000đ cho 2 lượt đi - về.


“Cứ để con đường cũ tôi đi, bán hàng còn có lãi. Giờ chở hàng đi con đường đẹp, xuống đến nơi giá thành tăng gấp đôi thì tôi bán cho ai nữa? Nếu không trả phí đi đường đẹp, chúng tôi chỉ có một con đường khác để đi, đó là nghỉ kinh doanh”. Một chủ doanh nghiệp vận tải ở Tây Nguyên, chua chát nói.


Ma trận


Ông Trần Đức Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - nói: “Đoạn QL14 từ Gia Lai đến hết tỉnh Đắc Nông, vừa rồi có báo đưa tin 5 trạm thu phí là không đúng, chính xác là 6 trạm. Trong đó 150km qua tỉnh Đắc Nông có 3 trạm ở đầu, giữa và cuối tỉnh. Quá trình đầu tư BOT trên QL14 cũng có nhiều vấn đề. Về nguyên tắc phải đầu tư xong mới được thu phí, nhưng Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư dự án BOT QL14 đoạn qua tỉnh Đắc Nông) đòi thu phí ngay từ lúc khởi công, tất nhiên không ai cho phép”.


Cũng theo ông Thanh, nói trên phạm vi hẹp là khi BOT làm trên quốc lộ, người dân buộc phải đi qua vì không có con đường nào khác. Tây Nguyên vốn không có đường biển, đường sắt như các vùng miền khác, bởi vậy người dân càng không thể lựa chọn phương thức khác để đi lại, vận chuyển hàng hóa. “Mức thu phí cũng quá cao, có dự án được thu bằng 3, 5 lần mức cơ bản tại Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính” - ông Thanh nói. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn để mua lại một số dự án BOT trên QL14. Nhưng ngay từ đầu, nhằm giảm bớt các dự án BOT trên quốc lộ này, UBND tỉnh Đắc Nông đã đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn trái phiếu chính phủ nâng cấp đoạn Cư Jút - Đắc Mil. Nhưng sau đó, bộ vẫn giao cho liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương đầu tư theo hình thức BOT để dựng thêm trạm thu phí.


Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã trả lời báo chí rằng: “Trước khi nghị định về quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực (trước 1-1-2013) có hai hệ thống trạm thu phí là trạm thu nộp ngân sách nhà nước và trạm BOT. Trong giai đoạn này, trước yêu cầu bức thiết giải quyết ùn tắc giao thông, theo đề nghị của các địa phương, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư một số tuyến đường tránh, đồng thời nâng cấp đường bộ để xử lý điểm đen về giao thông theo hình thức BOT. Do lưu lượng xe ít, tính hấp dẫn của dự án BOT không cao nên Nhà nước đồng ý sử dụng một số trạm thu phí đang thu nộp ngân sách (nằm ngoài dự án BOT) để hoàn vốn cho các dự án.


Đó là các trạm như trạm Nam Hải Vân (Đà Nẵng), Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), trạm thu phí quốc lộ 5, trạm thu phí Tào Xuyên (hiện đặt ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa), trạm cầu Bến Thủy (Nghệ An)... Từ ngày nghị định về quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng việc dừng, xóa các trạm thu phí cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đối với các trạm BOT được chuyển từ các trạm ngân sách nhà nước trước đây là do lịch sử để lại, không thể xóa, dừng ngay được. Lý do, nhà đầu tư đã thế chấp quyền thu phí tại ngân hàng để vay vốn xây dựng dự án. Nhà nước cũng không thể cân đối ngay được nguồn tiền đền bù, mua lại quyền thu phí để tiếp tục thực hiện các dự án BOT đang dở dang...


Sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Thủ tướng cân nhắc kỹ mới có ý kiến chỉ đạo giữ nguyên các trạm thu phí BOT”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét