Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Giá trị thời sự lá thư Võ Văn Kiệt


Lê Đăng Doanh - Giá trị thời sự lá thư Võ Văn Kiệt

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Ba, ngày 11 tháng 8 năm 2015 | 11.8.15

Ông Võ Văn Kiệt phải thôi chức Thủ tướng vào cuối năm 1997


Cách đây hai mươi năm, ngày 09.08.1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi một lá thư tâm huyết và đầy trách nhiệm đến Bộ Chính trị với lòng chân thành muốn đóng góp vào cuộc thảo luận chuẩn bị Đại Hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thúc đẩy cải cách để đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ hơn.


Lá thư đề cập đến bốn nội dung chủ yếu có tính thời sự cao đang được Bộ Chính trị lúc đó thảo luận là :


1. Đánh giá tình hình cục diện thế giới ngày nay


2. Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng ?


3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước

 4. Xây dựng Đảng


Rất tiếc, lòng chân thành và tinh thần cải cách mạnh mẽ của nhà cách mạng kiên cường Võ Văn Kiệt đã chỉ được đáp lại bằng một loạt những cuộc đả kích gay gắt của một số Ủy viên Bộ Chính trị lúc bấy giờ.


Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải thôi chức vụ Thủ Tướng Chính phủ cuối năm 1997, trợ lý của thủ tướng Võ Văn Kiệt, đại sứ Nguyễn Trung đã xin nghỉ hưu ngay sau khi cuộc tranh cãi nổ ra.


Cũng vì lá thư đó mà đại tá lão thành Lê Hồng Hà, nguyên ủy viên Đảng đoàn, chánh văn phòng Bộ Công An đã bị kết án tù, hai ông Hà Sỹ Phu và Nguyễn Kiến Giang cũng bị kết án trong một làn sóng khủng bố và đàn áp. Quan điểm trình bày trong bức thư bị lên án là lệch lạc, các đề nghị không được thực hiện.


Thảo luận chuẩn bị Đại hội Đảng


Ngày nay, sau hai mươi năm, đọc lại thư này, ta thấy bức thư ấy còn nguyên giá trị và những đề nghị của ông Võ Văn Kiệt vẫn đang được thảo luận và cần được giải quyết trong quá trình chuẩn bị Đại Hội XII sẽ diễn ra vào tháng 1.2016 tới đây.


Câu hỏi đề ra là nếu như các cải cách do ông Kiệt đề xuất được thực hiện thì nước ta đã thay đổi thế nào trong 20 năm qua ?


Trong thư Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ rõ về tình hình thế giới: “Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính chất đa dạng đa cực trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia trên thế giới".

Cũng vì lá thư đó mà đại tá lão thành Lê Hồng Hà, nguyên ủy viên Đảng đoàn, chánh văn phòng Bộ Công An đã bị kết án tù, hai ông Hà Sỹ Phu và Nguyễn Kiến Giang cũng bị kết án trong một làn sóng khủng bố và đàn áp.

"Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực, những lợi ích toàn cầu khác (ví dụ hoà bình, vấn đề môi trường, vấn đề phát triển, tính chất toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc của sự phát triển lực lượng sản xuất...) đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc phát triển những mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới ngày nay trên thế giới."


"Nhiều mâu thuẫn khác đã từng tồn tại trong thời kỳ thế giới còn chia thành hai phe – kể cả mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội – có thể tiếp tục còn tồn tại, song chịu sự chi phối ngày càng lớn hơn bởi những mâu thuẫn khác và do đó không còn có thể giữ vai trò như cũ.”


Việc Việt Nam đàm phán, đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương Mại Tự Do với Liên Minh Châu Âu, đã kết thúc đàm phán song phương Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ với cuộc trao đổi thẳng thắn xây dựng đến 75 phút với tổng thống Mỹ Obama phải chăng đã chứng minh trong thực tế cho quan điểm này của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt 20 năm trước đây và sự thay đổi chính sách gần đây của lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam?


Tránh sai lầm


Về vấn đề “chệch hướng”, ông Võ Văn Kiệt yêu cầu “tách bạch đúng đắn giữa mục tiêu và phương tiện thực hiện mục tiêu. Có làm tốt được việc này, mới xác định rõ được chệch hướng hay không chệch hướng” và “Chúng ta nhất trí rằng con đường xây dựng xã hội đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa có tiền lệ chính vì lẽ này: phải luôn tránh công thức hóa, phải bám lấy kết quả tổng thể trong việc thực hiện những tiêu chí lớn để soi rọi lại xem có chệch hướng hay không chệch hướng”.


Ông Kiệt đòi hỏi : “Phải nâng cao tính hiệu quả của kinh tế quốc doanh, nhằm làm cho nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị trường nước ta chứ không phải là giành cho nó quyền “nắm ” thứ này thứ khác.”


Vấn đề này cho đến bây giờ vẫn gây tranh cãi, văn kiện Đại hội XII vẫn kiên trì “kinh tế nhà nước là chủ đạo” trong nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.


Về hai vấn đề quản lý nhà nước và xây dựng Đảng được đề cập đến trong bức thư, thực tế trong 20 năm qua cho thấy nước ta đã quá chậm trong cải cách chính trị, cải cách bộ máy nhà nước và xây dựng Đảng, dẫn đến tham nhũng, lãng phí tràn lan, kéo dài, cán bộ giàu lên quá nhanh một cách không minh bạch, niềm tin của người dân giảm sút nghiêm trọng.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến “ lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ ”, song cho đến nay chưa có phương thuốc hữu hiệu để giải quyết hai căn bệnh trầm kha này.


Hai mươi năm bức thư của thủ tướng Võ Văn Kiệt là một dịp để đánh giá đúng tầm vóc và tâm huyết của ông, bác bỏ những đả kích và lên án của những quan điểm lỗi thời.


Điều quan trọng hơn là cần rút ra bài học kinh nghiệm cho sự lãnh đạo của Đảng, tránh lặp lại nhiều lần sai lầm tương tự, làm sao kịp thời chắt lọc được những ý kiến xây dựng thay cho vùi dập và đàn áp những ý kiến ấy, những con người chân thành muốn đóng góp cho đất nước ngay cả con người đó đã được tôi luyện và thử thách như Võ Văn Kiệt.




TS Lê Đăng Doanh
gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội


Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội.


(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét