Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015
Án lệ bí thư Dũng: Lại tiền lệ cho ‘luật rừng’
VNTB- Án lệ bí thư Dũng: Lại tiền lệ cho ‘luật rừng’
Nguyễn Cao
Ông Lãnh Đức Dũng nguyên Bí thư Huyện ủy Hà Quảng.
(VNTB) - Việc tòa sơ thẩm tuyên Ông Lãnh Đức Dũng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hà Quảng, Cao Bằng gây tai nạn giao thông làm chết 3 người bị Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên phạt phiên xét xử sơ thẩm mức án 3 năm tù nhưng được cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm, là không tuân thủ theo các quy định về tố tụng hình sự.
Ông Lãnh Đức Dũng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hà Quảng, Cao Bằng gây tai nạn giao thông làm chết 3 người bị tuyên phạt mức án 3 năm tù nhưng được cho hưởng án treo. Hành vi của ông Lãnh Đức Dũng bị Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Cao Bằng truy tố theo khoản 3 điều 202 Bộ luật Hình sự.
Tóm tắt vụ án: Theo cáo trạng công bố ngày 30-7-2015 tại TAND tỉnh Cao Bằng, ngày 30-1-2015, ông Lãnh Đức Dũng (đang giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Hà Quảng) lái ôtô theo hướng từ thành phố Cao Bằng đi huyện Hà Quảng. Đến địa phận xóm Nà Mạ, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, khi đang vào khúc cua, bên phải đường có đống đá, ông Dũng đã đánh tay lái qua bên trái để tránh chướng ngại vật. Lúc này, anh Vương Văn Tiến (36 tuổi) đi xe máy chở mẹ Nông Thị Biền (53 tuổi) và con nhỏ là Vương Gia Khang (8 tuổi) đi tới. Xe của ông Dũng đã đâm vào xe của anh Tiến làm cả 3 người tử vong.
Tội đặc biệt nghiêm trọng
Bộ luật hình sự (BLHS), “Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Như vậy hành vi gây tai nạn giao thông làm chết 3 người phải được xem là “đặc biệt nghiêm trọng” như cáo trạng công bố ngày 30-7-2015.
Có thể “du di án treo”?
Hành vi của ông Lãnh Đức Dũng bị Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Cao Bằng truy tố theo khoản 3 điều 202 Bộ luật Hình sự, cho thấy không cách gì để xét “tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với nước, bản thân từng nhận được nhiều khen thưởng của Đảng và Nhà nước trong quá trình công tác, gia đình bị hại làm đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” như diễn ra tại phiên tòa hôm 30-7 vừa qua.
Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC, về “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông”, Điều 2. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt (trích): “3. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 204; khoản 3 các điều 202, 203, 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220, Điều 222, Điều 223; khoản 4 các điều 206, 207, 216, 218, 219 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây: a) Làm chết từ ba người trở lên”.
Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao”, tại Điều 2. Việc xem xét cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo: “1. Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự; b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật” (trích)
Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại: “1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.
Như vậy, theo các trích dẫn điều luật liên quan nói trên cho thấy việc tòa sơ thẩm tuyên Ông Lãnh Đức Dũng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hà Quảng, Cao Bằng gây tai nạn giao thông làm chết 3 người bị Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên phạt phiên xét xử sơ thẩm mức án 3 năm tù nhưng được cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm, là không tuân thủ theo các quy định về tố tụng hình sự.
“Án lệ bí thư Dũng”
Khác với nguyên bí thư huyện ủy Lãnh Đức Dũng, cũng gây tai nạn làm chết 2 người, nhưng bác sĩ Trần Anh Huy (SN 1969, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) nhận mức án 7 năm tù “đúng luật”.
Theo án sơ thẩm, chiều 7-10-2011, sau khi rời Bệnh viện Nhi đồng 1, ông Trần Anh Huy lái xe ô tô lưu thông trên đường Lý Thái Tổ hướng từ đường Ba tháng 2 về Vòng xoay Ngã bảy, quận 10. Bị cáo Huy lái xe thiếu quan sát, xử lý tình huống kém và tốc độ khá nhanh nên va chạm với một số ô tô lưu thông cùng chiều. Chưa dừng lại, Huy đã tiếp tục lao xe tông 13 xe máy đang dừng tại ngã tư Sư Vạn Hạnh - Lý Thái Tổ khiến 2 người tử vong và 7 người bị thương. Ngày 19-6-2013, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Anh Huy mức án 7 năm tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 3, điều 202 BLHS (thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù).
Cho rằng bản án sơ thẩm 7 năm tù là quá nhẹ, một gia đình nạn nhân đã làm đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng tăng hình phạt, tăng mức bồi thường để thể hiện tính răn đe của pháp luật. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị tòa phúc thẩm bác bỏ đồng thời tuyên y án sơ thẩm 7 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” đối với Trần Anh Huy.
Như vậy, nếu mức án nói trên của ông Lãnh Đức Dũng không bị kháng cáo, kháng nghị, thì “án lệ Lãnh Đức Dũng” sẽ là một căn cứ để các luật sư “cãi” cho thân chủ của mình ở những trường hợp tương tự.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét