Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Kinh tế ảo: 2 + 2 chưa chắc bằng 4! *


Kinh tế ảo: 2 + 2 chưa chắc bằng 4! *

Giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2014 mà Việt Nam ghi nhận là 44 tỉ USD, trong khi phía Trung Quốc ghi nhận đến 64 tỉ USD, vậy 20 tỉ USD đi đâu? Sự vênh nhau quá lớn này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích là do “công thức tính”.





Liên quan vụ này, chợt nhớ 2 câu chuyện cười ra nước mắt về tình trạng số liệu “nhảy múa”.


Chuyện thứ nhất, một công ty nọ phỏng vấn tuyển dụng kế toán. Giám đốc chỉ hỏi ứng viên mỗi một câu: 2 cộng 2 bằng mấy? Ba ứng viên đầu trả lời “bằng 4” và đều bị đánh trượt, tức tưởi không hiểu vì sao. Đến lượt mình, ứng viên thứ tư hỏi ngược lại: “Giám đốc muốn 2 cộng 2 bằng mấy?”. Và ứng viên này đậu!


Chuyện thứ hai, phó chủ tịch tỉnh kia cần báo cáo kinh tế - xã hội của địa phương để trình cấp trên nên yêu cầu Cục Thống kê cung cấp số liệu GDP. Bên thống kê hỏi ngược lại: “Thưa anh, lần này, bên ủy ban muốn GDP bao nhiêu?”.


Vị chuyên gia kinh tế - đang công tác tại một viện ở trung ương - kể những chuyện này, rồi ngao ngán: “Vậy mới hiểu vì sao tỉnh, thành nào cũng báo cáo GDP địa phương 8%-10%, thậm chí 12% nhưng cộng gộp lại thì GDP cả nước chỉ tầm… 6%. Năm này qua năm khác, cứ lừa dối nhau như thế” (!).


Trở lại câu chuyện 20 tỉ USD thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nếu khoản tiền (là giá trị hàng hóa) khổng lồ này bị lọt sổ thì ai cũng nghĩ ngay đến buôn lậu. Trong phần giải thích của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận: “Đây là vấn đề cho thấy chúng ta quản lý hải quan chưa tốt” song cũng cho rằng “cần nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều”, cụ thể là “do cách thống kê của từng nước khác nhau, hàng hóa nhập vào mỗi nước cũng có công thức tính khác nhau”. Hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc, khi thống kê thì gộp cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc thì không tính tiểu ngạch. Ví dụ, năm 2014, ta xuất sang Trung Quốc 2,14 tỉ USD gạo, trong khi nước bạn chỉ thống kê 0,74 tỉ USD do không tính hàng qua tiểu ngạch.


Tuy nhiên, đáng lo là tình trạng chênh lệch số liệu như vậy không chỉ xảy ra trong quan hệ giao thương với Trung Quốc. Với nhiều thị trường khác, thống kê cũng không chính xác!


Trong sản xuất - kinh doanh, số liệu cực kỳ quan trọng. Có số liệu chuẩn thì mới hoạch định được đường lối, chiến lược làm ăn. Thế nên, nhiều quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới không ngại chi hàng “núi” tiền để mua số liệu khi cần. Một dự án, chương trình thành công không thể nào dựa trên cơ sở dữ liệu sai.


Vậy mà, ở ta, số liệu thì cứ như đùa, muốn bao nhiêu cũng được. Nông sản tồn ứ là do thiếu hoạch định nguồn cung; cử nhân tốt nghiệp thừa mứa là vì không tính được nhu cầu thị trường; nợ xấu mà báo sai thì làm hỏng cả hệ thống ngân hàng; nhập siêu nếu không tính đủ thì có thể phương hại cả chính sách vĩ mô về xuất nhập khẩu… Do đó, làm đẹp con số chỉ làm hài lòng cấp thời những ai quen tự mãn, sính thành tích; còn về lâu dài thì gây hậu quả khôn lường.


Cũng vì thế mà người ta hay nghi ngờ những con số đẹp do các bộ, ban, ngành đưa ra, như: Ở Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp chỉ 1,84%; chỉ 1% công chức không làm được việc… Nghi ngờ mà ít khi sai nên đâm ra mất niềm tin!

Theo An Quý (NLĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét