Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015
Khi đại biểu không buồn thảo luận
Khi đại biểu không buồn thảo luận
Sáng hôm qua, một chuyện hy hữu đã xảy ra ở Quốc hội lần đầu tiên trong 9 kỳ họp của Quốc hội khóa XIII. Đó là không có đại biểu nào bấm nút cho ý kiến về dự thảo chương trình giám sát năm 2016. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, người điều hành phiên họp, đành tuyên bố cho nghỉ họp sớm, trước 2 tiếng so với dự kiến chương trình.
Mặc dù trước đó, trong phiên họp tại tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đã cho ý kiến về chương trình này, đa số ý kiến đồng ý, nhưng ở hội trường, việc thảo luận, trao đổi sâu hơn, kỹ hơn để ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ, nhất là những ĐBQH còn chưa có ý kiến, vẫn rất quan trọng. Trong khi đó, nội dung giám sát trong năm tới theo dự kiến chương trình là khá quan trọng: giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện) và giám sát hiệu quả thực hiện chính sách phát triển khoa học, công nghệ…
Với cách làm việc như trên, cử tri không khỏi không đặt câu hỏi về hiệu quả của việc tổ chức, triển khai các chương trình giám sát của QH. Những năm qua, mặc dù có một số cuộc giám sát của QH được ghi nhận có chất lượng cao như chương trình giám sát năm 2015 về oan, sai trong hoạt động điều tra tố tụng với kết quả giám sát rất rõ ràng (71 vụ oan sai trong 3 năm); giám sát về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng (năm 2014)… Nhưng cũng có không ít chương trình, sau khi giám sát, hiệu quả, hiệu lực của các kết luận giám sát là không rõ ràng. Ví dụ, sau các cuộc giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường hay các chính sách hỗ trợ, xóa đói giảm nghèo…, các yêu cầu, kết luận của đoàn giám sát cũng không được thực hiện nghiêm túc.
Và dễ thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu công nghiệp… nhiều nơi vẫn rất nghiêm trọng. Tình trạng sử dụng không đúng nguồn vốn, làm thất thoát kinh phí hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Trong chiều hôm qua, góp ý vào dự thảo luật Giám sát của QH và HĐND, nhiều ĐBQH đã tỏ ra có trách nhiệm hơn, khi phân tích, đề xuất cần phải bổ sung các quy định khắc phục tính hình thức trong hoạt động giám sát của QH, HĐND như quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng bị giám sát, trách nhiệm của chủ thể giám sát đối với ý kiến, kiến nghị của mình và quy định cả trách nhiệm, chế tài đối với đoàn giám sát, thành viên của đoàn giám sát…, những điều mà các dự án luật trên còn thiếu. Với những hình thức giám sát khác như chất vấn tại hội trường, chất vấn ở các phiên họp của Thường vụ QH, cũng được đề nghị có những quy định để cải tổ cách làm việc, cách chất vấn để hiệu quả giám sát đó là thực chất.
Như vậy, nếu như ĐBQH có tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm thì sẽ luôn có những ý kiến xác đáng, hợp lý để việc xây dựng, ban hành các dự án luật, thông qua các chương trình, dự án có chất lượng. Nhưng nếu với cách làm việc “lạ” như phiên họp sáng 9.6, chính ĐBQH đã trở thành đối tượng cần tăng cường giám sát chứ chẳng còn được tin tưởng sẽ xây dựng và thực hiện có hiệu quả những chương trình giám sát.
Theo Thanh Niên
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét