Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015
Hải Dương: Bị tạm giam ở công an huyện, bỗng dưng nguy kịch
Hải Dương: Bị tạm giam ở công an huyện, bỗng dưng nguy kịch
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 15 tháng 6 năm 2015 | 15.6.15
HẢI DƯƠNG 14-6 (NV) .- Một ông bị tạm giam tại Công an huyện Thanh Hà chờ bị đưa ra tòa “bỗng dưng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thân thể có một số vết thương”, theo báo Kiến Thức ngày Thứ Bảy.
Nạn nhân Phạm Khắc Chử hôn mê, nguy ngập tại bệnh viện Bạch Mai. (Hình: Kiến Thức)
Tờ Kiến Thức ngày 13/6/2015 cho hay báo này :nhận được đơn của ông Phạm Khắc Mạnh (SN 1964, trú tại xóm 1, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) phản ánh vụ việc, em trai ông là Phạm Khắc Chử (SN 1971, trú tại thôn An Liệt, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà) phải nhập viện bất thường với một số thương tích sau khi bị Công an huyện Thanh Hà tạm giam tại nhà tạm giữ thuộc Công an huyện này.”
Theo nguồn tin thuật lại tình hình sức khỏe của Phạm Khắc Chử, qua lời ông Mạnh cho biết, “hiện Chử vẫn hôn mê, theo các bác sĩ, tình trạng Chử rất xấu, có nhiều khả năng tử vong.” Ông Phạm Khắc Mạnh “mong muốn các cơ quan chức năng điều tra vụ việc để làm rõ nguyên nhân thương tích của em trai mình”.
Nói chuyện với báo Kiến Thức, ông Phạm Khắc Mạnh kể lại cho biết: “Vào khoảng 9 giờ ngày 5/6/2015, Công an xã Thanh Hải cùng với công an huyện Thanh Hà đã đến nhà Phạm Văn Chử với lý do không thực hiện dự phiên tòa xét xử do tội của Chử gây ra. Thời điểm bị bắt giữ, Phạm Văn Chử trong tình trạng sức khỏe bình thường, trên người không có thương tích và Chử cũng không có tiền sử về bệnh trạng trong cơ thể.”
“Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 7/6/2015, gia đình nhận được tin báo, Chử đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Khi gia đình tôi tiếp cận thì thấy trên thân thể Chử có nhiều thương tích, mặt mũi biến dạng đến mức khó nhận diện và đang trong phòng cấp cứu thở ô xi, không nói được và không nhận thức được điều gì. Do tình trạng nặng, Công an huyện Thanh Hà và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đó đã chuyển em trai tôi đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.”
Từ khi bị bắt tới khi Phạm Khắc Chử phải đưa đi cấp cứu chỉ có hai ngày, thân thể nhiều thương tích, ông Mạnh nói rằng “Việc Chử vi phạm pháp luật ở mức độ nào thì sẽ phải chịu sự phán quyết của luật pháp nhưng nguyên nhân vì sao sau thời gian ngắn em trai tôi bị tạm giữ mà lại xảy ra tình trạng như vậy cần được làm rõ”.
Báo Kiến Thức nói chuyện với trưởng công an xã Thanh Hải là ông Nguyễn Văn Vân thì được cho biết, ông Phạm Khắc Chử bị bắt theo lệnh truy nã của Công an huyện Thanh Hà. Trước đó, ông Chử bị truy tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 1 điều 139, Bộ luật hình sự.
“Thời điểm bị bắt giữ (sáng 4/6/2015) sức khỏe đối tượng Chử bình thường”, ông Nguyễn Văn Vân cho hay, theo tờ Kiến Thức thuật lại lời ông nói.
Khác hoàn toàn với lời kể của anh nạn nhân và trưởng công an xã Thanh Hải, ông thiếu tá Lê Minh Hoàn, Phó Công an huyện, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Thanh Hà, lại nói
“Những vết xây xước đó chúng tôi cũng không biết do đâu. ... Hơn nữa, việc bắt giữ đối tượng là theo yêu cầu của tòa án. Hồ sơ vụ án trước đó đã hoàn tất nên chúng tôi không còn yêu cầu gì nữa. Không có chuyện Phạm Khắc Chử bị đánh. Công an huyện sẽ giải thích cho gia đình, có bằng chứng, căn cứ cho gia đình hiểu.”
Ông Hoàn kể một số chi tiết không biết ai có thể tin được lời giải thích này không là “Sau khi đưa vào nhà tạm giữ, khi thấy có một đối tượng khác phạm tội mua bán ma túy thì Chử có biểu hiện lo sợ, khủng hoảng tinh thần, thường xuyên hỏi người nhà có đến tiếp tế không. Khi không thấy ai đến, đối tượng có biểu hiện khủng hoảng, không ăn và la hét, đập phá trong phòng tạm giam, thậm chí cởi quần áo ngâm mình trong bể nước. Cán bộ nhà tạm giữ đã lập biên bản và giải thích nhưng Chử không chấp hành.”
“Đến sáng 7/6, cán bộ nhà tạm giữ mở cửa kiểm tra, thấy đối tượng yếu, trán và mắt có trầy xước, có biểu hiện mê sảng, cán bộ nhà tạm giữ đã đưa đối tượng ra bệnh viện đa khoa huyện Thanh Hà. Tại đây, sức khỏe đối tượng có diễn biến xấu, hôn mê, khó thở nên đã chuyển lên Bệnh viện đa khoa Hải Dương, sau đó chuyển lên điều trị tại bệnh viện Bạch Mai”.
Hầu hết các trường hợp người dân bị chết tại trụ sở công an CSVN dù chỉ mới bị bắt một vài giờ hay một vài ngày để điều tra một chuyện gì đó, với các dấu tích bầm tím ngoài ra, dập gan dập thận, gẫy xương chân tay, vỡ sọ v.v... đều bị đổ cho là tự tử, nhảy lung tung, đập đầu vào tường.
Cuối tháng 5 vừa qua, một thiếu niên 15 tuổi sau khi bị Công an xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, bắt giữ, đánh đập, tra hỏi rồi thả cho về ngày 29/5/2015. Tuy nhiên, cậu thiếu niên này bỏ nhà đi mất tích không biết vì lý do gì ngay hôm đó. Mấy ngày sau, mẹ nạn nhân không thấy con về và cũng không tìm thấy ở đâu, đã yêu cầu Công an giúp tìm kiếm thì được trả lời là “gia đình tự tổ chức đi tìm”.
Tuy chế độ Hà Nội đã ký vào Công ước Quốc tế về Chống Tra Tấn từ cuối năm 2013, nhưng số người bị chết vì Công An CSVN tra tấn, nhục hình vẫn xảy ra. Từ đầu năm 2015 đến nay, ít nhất đã có 5 nạn nhân chết tại trụ sở Công an.
Khi ra khai ở Quốc hội ngày 13/4/2015, “đoàn công tác đặc biệt” về vấn đề chống oan sai nói rằng từ 1/10/2011 đến 30/9/2014 có 226 nghi can chết khi đan bị tạm giam, tạm giữ. Bộ Công an CSVN báo cáo là đều chết do “bị bệnh” hay “tự sát”. (TN)
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét