Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Nên hiểu ‘Mật ước Thành Đô’ như thế nào?


Lê Anh Hùng - Nên hiểu ‘Mật ước Thành Đô’ như thế nào?

Đăng bởi Tiểu Nhi on Wednesday, December 13, 2017 | 13.12.17



Từ nhiều năm trước, trong dư luận đã lan truyền thông tin rằng kết quả Hội nghị Thành Đô là một bản mật ước, theo đó lãnh đạo CSVN đề nghị và lãnh đạo Trung Quốc đồng ý để Việt Nam trở thành một khu vực tự trị của Trung Quốc.


Hội nghị Thành Đô đã diễn ra trong bí mật.

Hội nghị Thành Đô là một chủ đề gây rất nhiều tranh cãi ở Việt Nam cũng như trong các cộng đồng người Việt hải ngoại suốt nhiều năm qua.


Chỉ 4 ngày sau khi được Đại sứ Trung Quốc thông báo, ba nhà lãnh đạo Việt Nam là TBT Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng đã có mặt tại Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) vào đúng ngày Quốc khánh lần thứ 45, trong khi Đặng Tiểu Bình thậm chí không thèm xuất hiện như lời hứa hẹn lấp lửng ban đầu.


Bối cảnh


Cuối thập niên 1980, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bắt đầu chao đảo trước khi sụp đổ hàng loạt.


Về phần mình, mặc dù đã thực hiện cải cách kinh tế từ sau Đại hội VI nhưng Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về chính trị - kinh tế - xã hội vốn bắt đầu ngay từ năm 1975.


Lo sợ cho số phận của mình và tự huyễn hoặc “dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước XHCN”, một số nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo CSVN, đứng đầu là TBT Nguyễn Văn Linh, đã quay sang ôm chân các ông chủ Trung Nam Hải, bất chấp thực tế là trước đó Bắc Kinh đã đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, phát động cuộc chiến tranh biên giới từ 1979 - 1989, thảm sát 64 quân nhân Việt Nam rồi chiếm đảo Gạc Ma năm 1988.


Mật ước Thành Đô?


Từ nhiều năm trước, trong dư luận đã lan truyền thông tin rằng kết quả Hội nghị Thành Đô là một bản mật ước, theo đó lãnh đạo CSVN đề nghị và lãnh đạo Trung Quốc đồng ý để Việt Nam trở thành một khu vực tự trị của Trung Quốc.


Đến tháng 5/2014, một số trang mạng thậm chí còn đăng tải nội dung của bản “mật ước” (được cho là do Hoàn Cầu Thời Báo và Tân Hoa Xã công bố): “…Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….


Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.…”


Đâu là sự thật?


Trong cuốn hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” của mình, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã tiết lộ: “Sau 2 ngày nói chuyện (3 - 4/9/1990), kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là ‘Biên bản tóm tắt’ gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ của Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.”


Nghĩa là, Hội nghị Thành Đô kết thúc song việc bình thường hoá quan hệ hai nước, điều mà ban lãnh đạo Việt Nam nóng lòng mong đợi, vẫn chưa chốt lại được. Vì thế, giả thuyết về bản “mật ước” kia rõ ràng là thiếu cơ sở.


Thậm chí ngay cả “Biên bản tóm tắt” 8 điểm nói trên cũng không được phía Việt Nam thực hiện đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phản đối của Bộ Ngoại giao dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, với sự đồng tình của một vài uỷ viên Bộ Chính trị khác, như Thứ trưởng Trần Quang Cơ đã thuật lại trong hồi ký. (Trong cuộc họp kiểm điểm về Hội nghị Thành Đô, Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “…Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”)


Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974-1987) cho biết là mặc dù cùng 19 cựu sỹ quan cao cấp khác ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu minh bạch hóa Hội nghị Thành Đô song ông cũng không tin vào thông tin phía Trung Quốc đưa ra.


Đại tá Nguyễn Văn Tuyến (cán bộ tiền khởi nghĩa và là thành viên sáng lập CLB chống tham nhũng, tiêu cực của các vị lão thành cách mạng ở Hà Nội) cho chúng tôi biết là trong một cuộc gặp với Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, khi ông đề cập đến “Mật ước Thành Đô”, ông Huynh khẳng định đích thân ông ta đã vào kho lưu trữ của đảng để tìm nhưng không hề thấy bản “mật ước” đó. (Lãnh đạo cộng sản nói thì không hẳn là đáng tin, song điều đó không có nghĩa là họ chưa bao giờ nói thật. Và sự khẳng định của nhân vật số 5 trong ban lãnh đạo Việt Nam phù hợp với logic ở trên, cũng như với một tài liệu được cho là của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2014 nhằm giải thích về Hội nghị Thành Đô.)


Toan tính gì?


“Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán.” Thông tin về “Mật ước Thành Đô” được Bắc Kinh tung ra ngay giữa lúc họ đưa giàn khoan HD981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 15/7/2014. Rõ ràng, họ muốn qua đó để biện hộ cho hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam, gây chia rẽ trong ban lãnh đạo CSVN, khiến người Việt trong và ngoài nước bị phân hoá, và cuối cùng là làm suy yếu nỗ lực của Hà Nội trong việc chống lại hành vi ngang ngược đó.


Mặc dù nội dung cụ thể của “Mật ước Thành Đô” được Bắc Kinh “tiết lộ” vào thời điểm họ đưa giàn khoan HD981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhằm mục đích như chúng tôi đã đã chỉ ra, song thông tin về sự tồn tại của nó thì đã xuất hiện từ lâu. Vậy động cơ của họ là gì?


Quả thực, không khó để nhận ra toan tính của Bắc Kinh khi cho lan truyền thông tin về “Mật ước Thành Đô”. Đây thực sự là một mũi tên trúng nhiều đích theo đúng bản chất “thâm như Tàu” của họ: (i) khiến những người Việt tâm huyết với công cuộc chống bành trướng Trung Quốc nản lòng (do nghĩ rằng mọi nỗ lực đều vô ích bởi cái văn kiện bán nước kia); (ii) làm phân tâm những người chống hiểm hoạ Trung Quốc tại Việt Nam (thay vì lẽ ra cần tập trung vào việc vạch trần và ngăn chặn bàn tay tội ác của “nhóm lợi ích Tàu” trong bộ máy hiện hành thì họ lại phung phí thời gian và công sức vào việc tranh cãi hoặc lên án và đòi bạch hoá một chuyện không có thật trong quá khứ); và (iii) khiến cho người dân bình thường không tin tưởng vào truyền thông phi chính thống (khi thấy trên mạng toàn loan truyền những thông tin nhảm nhí).


Không chỉ nặn ra cái gọi là “Mật ước Thành Đô”, Bắc Kinh thậm chí còn dựng lên cả một câu chuyện kỳ bí qua tác phẩm “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của Hồ Tuấn Hùng. Theo đó, Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Cung (nguyên quán Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), mà là Hồ Tập Chương, người Đài Loan. (Ngoài những mục đích nêu trên, điều này còn giúp dọn đường dư luận để “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải ngày càng “chui sâu, leo cao” và cuối cùng là thâu tóm chiếc ghế Tổng Bí thư.)


Không còn nghi ngờ gì, “Mật ước Thành Đô” là một câu chuyện bịa đặt nhằm phục vụ mưu đồ đen tối của Trung Nam Hải. Việc nhà cầm quyền CSVN không công khai Thoả thuận Thành Đô là vì đó không chỉ là một thất bại nhục nhã trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, mà còn là bằng chứng không thể chối cãi về hành vi “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ” của họ. Chỉ chừng ấy thôi họ đã bị lịch sử và nhân dân đời đời lên án, chứ đừng nói đến chuyện mưu toan biến Việt Nam thành một bộ phận của “đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”.


Ngoài ra, ngay cả khi “Mật ước Thành Đô” là sự thật đi nữa thì nó cũng không có giá trị pháp lý, bởi nó không tuân theo những trình tự pháp lý thông thường của một hiệp ước giữa hai quốc gia. Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười hoàn toàn không đủ chính danh để đóng dấu hiệu lực vào một hiệp ước vô cùng hệ trọng như thế. Trong khi đó, những người ký kết “mật ước” đó hoặc đã chết, hoặc gần như không còn ảnh hưởng trên chính trường, nên nó lại càng vô giá trị.


Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã chỉ ra rằng, nếu các bản tuyên bố chung Việt - Trung xưa nay luôn được Hà Nội thực hiện đúng thì Việt Nam đã trở thành “một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc” từ lâu, chứ chẳng cần phải đợi đến khi “Mật ước Thành Đô” được thi hành. Điều này không xẩy ra bởi thực tế là trong ban lãnh đạo Việt Nam luôn tồn tại những thành phần ý thức được hiểm hoạ phương bắc mà Bắc Kinh chưa thao túng được (chẳng hạn như Nguyễn Cơ Thạch và Võ Văn Kiệt trong “Hồi ức và Suy nghĩ”), bên cạnh áp lực từ một công chúng vốn ngày càng bộc trực và “dị ứng” với những gì liên quan đến Trung Quốc.


Bất luận thế nào, việc đất nước chúng ta ngày càng bị các gọng kìm của Đại Hán siết chặt như hiện nay không phải là vì “Mật ước Thành Đô” kia, mà chính là vì 90 triệu người Việt, đặc biệt là những tinh hoa của giống nòi, đã làm chưa đủ để bảo vệ giang sơn gấm vóc mà tổ tông đã đổ bao máu xương để dựng xây, gìn giữ.


Lê Anh Hùng


(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét