Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

LIỆU CÓ PHẢI KHAI TRỪ ĐỒNG CHÍ MÁC VÀ ĐỒNG CHÍ ĂNG-GHEN?


LIỆU CÓ PHẢI KHAI TRỪ ĐỒNG CHÍ MÁC VÀ ĐỒNG CHÍ ĂNG-GHEN?


Nguyễn Khắc Mai




Cụ Mác
Theo tôi biết thì cụ Mác, ban đầu viết tên như thế, sau này có người viết là Marx, và cụ chấp nhận như vậy (bây giờ ai cũng nghĩ tên cụ có nghĩa là thần chiến tranh). Nhưng điều quan trọng hơn, cụ là tổ sư của các đảng cộng sản. Các đảng cộng sản trên thế giới, kể cả cái hội nghị gì ở “Pẩy chinh” vừa qua cũng không nói gì khác. Như thế vẫn phải công nhận cụ là tổ sư của Đảng.
Thế nhưng đồng chí Karl Marx đang bị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đưa vào danh sách những đảng viên phạm kỹ luật có thể khai trừ, theo cái quy định trong Quyết định số 102 QĐ/TW do một ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức ký nhằm xử lý kỷ luật đảng viên.

Nguyên văn mà báo Tuổi Trẻ (thường) số ra ngày thứ Sáu 8-12-2017 đưa tin: Khai trừ Đảng nếu bôi nhọ lãnh tụ và Đảng, cụ thể là: “Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên đa đảng”… bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng… hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Thế thì cả ông Mác, cả ông Ăng-ghen là hai vị tổ sư, như tôi biết, đều từng vi phạm mấy điều cấm kỵ đó của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Mác từng nói và Ăng-ghen đã cho công bố trong Lời tựa tác phẩm của Mác Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850, rằng, không có lý tưởng cộng sản cao đẹp nào cả, chẳng qua đó chỉ là một mệnh đề “trẻ con” của người sáng lập Chủ nghĩa Mác lúc thiếu thời, và đã vứt bỏ trong cuối đời.
Dám vứt bỏ lý tưởng cộng sản của Đảng thì to gan thật. Tội chắc không thể tha.
Điều thứ hai đồng chí Mác lại còn cả gan nêu lên như một nguyên lý: Nhà nước có cơ sở (nền tảng) tự nhiên là gia đình, có nền tảng nhân tạo là xã hội dân sự. Mác còn cho rằng tự do chính là biến nhà nước, cơ quan đặt trên xã hội, thành cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội! Ông không nói tào lao mà coi xã hội dân sự là nền tảng. Rõ ràng đồng chí Mác đã bác bỏ tư tưởng coi Đảng là nền tảng của nhà nước và xã hội.
Về tư tưởng đa nguyên đa đảng thì cả hai đồng chí ấy đã đưa thành nguyên tắc trong Tuyên ngôn Cộng sản, không chỉ nói mà bằng văn bản hẳn hòi, không chối cãi được: “Các đảng cộng sản phải phấn đấu (xin nhấn mạnh hai chữ phấn đấu mà không biết PGS Bùi Hiền đề nghị viết thế nào), để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân chủ, dân tộc trong mỗi quốc gia”. Hai đồng chí ấy khẳng định phải phấn đấu (nỗ lực, cố gắng) để vừa hợp tác lại vừa đoàn kết, chứ không hề nói phải xóa bỏ, thủ tiêu. Nói rõ là không những phải tôn trọng mà phải thực hành đa đảng lại ghi trong Cương lĩnh như đã biết.
Riêng cái tội “hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng” thì đồng chí Ăng-ghen có tội khi cho rằng: cuối cùng cũng phải làm sao để mọi người chấm dứt kiểu cư xử với các quan chức của Đảng - những người đầy tớ của mình - luôn luôn bằng sự tế nhị đặc biệt và thay cho sự phê bình lại ngoan ngoãn vâng lời họ như những-kẻ-quan-liêu-không-bao-giờ-mắc-sai-lầm. Cớ sao các đảng viên không coi các quan chức của mình là đầy tớ, để bảo ban, phê bình, mà lại quay ra coi họ như một đám-quan-liêu-không-bao-giờ-mắc-sai-lầm. (xin nhấn mạnh, ông không hề gọi là lãnh đạo.
Dám coi vai trò lãnh đạo là đầy tớ, kẻ giúp việc mà thôi. (trích trong bài Chúng tôi dã vạch trần)
Đúng, hai đồng chí này đã nói và làm trái với quan điểm, với quy định của Đảng. Nhưng cái khó là nếu khai trừ họ, thì còn đâu là chính danh, chính thống nữa, mà không, thì chả nhẽ lại cho rằng quan điểm hiện nay của Đảng là xét lại là phản bội các tổ sư Mác, Ăng-ghen.
Hay là phải bỏ đi cái văn bản, bởi dù sao văn bản không thể cao hơn nguyên lý mà hai vị tổ sư đã vạch ra. Nan giải thật đấy.

Nguyễn Khắc Mai

https://boxitvn.blogspot.fr/…/lieu-co-phai-khai-tru-ong-chi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét