Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

‘Bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng’ và thể chế ‘đất, vàng, đô’


‘Bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng’ và thể chế ‘đất, vàng, đô’

Đăng bởi Tiểu Nhi on Tuesday, December 5, 2017 | 5.12.17

Việt Nam cuối 2017. Bất an trở thành tia kích nổ trong bầu không khí tín dụng. Nhiều ngân hàng, dù muốn hay không, sẽ phải “tự nguyện” hoặc tự nhiên phá sản. Lại đúng vào lúc hàng loạt giám đốc của “quỹ tín dụng nhân dân” ôm tiền biệt tăm…



Việt Nam cuối 2017. Bất an trở thành tia kích nổ trong bầu không khí tín dụng.

Sao nhà nước ma lanh quá vậy!


“Tiền tiết kiệm là mồ hôi, nước mắt của bọn dân chúng tôi đã ủy thác, tin tưởng gửi vào ngân hàng mà bồi thường như vậy thì làm sao dân còn lòng tin vào ngân hàng hay vào chế độ”


Lại nữa: “Cả tài sản tiền mặt của gia đình tôi chỉ có gửi hơn 2 tỉ đồng gửi ngân hàng, nếu lỡ ngân hàng đó phá sản mà chỉ được bồi thường bảo hiểm tiền gửi có 75 triệu đồng thì thà ngay bây giờ tôi đem mua đất, vàng, mua đôla còn an toàn hơn nhiều”


Và lại nữa: “Sao nhà nước ma lanh quá vậy! Vét thuế đến từng đồng từng cắc cuối cùng trong túi dân còn chưa đã miệng sao mà còn đòi ép dân phải chịu rủi ro gửi tiền tiết kiệm. Mấy thằng ngân hàng ngồi mát ăn bát vàng quen rồi, có phá sản cũng không sao, nhưng dân bọn tui mà mất là mất sạch sẽ luôn, tán gia bại sản luôn, chỉ còn nước đi ăn xin hay lao đầu xuống sông chết cho rồi…”


Trên đây chỉ là ba trong số hàng ngàn ý kiến bức bối của người dân trong những ngày gần đây, sau khi chính phủ “liêm chính, kiến tạo và hành động” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ tung ra một quyết định về mức bảo hiểm tiền gửi chỉ có 75 triệu đồng cho khách hàng cá nhân đối với những trường hợp ngân hàng bị phá sản, rồi đến kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2017 mà ngay cả các đại biểu quốc hội cũng phải bức xúc vì mức bảo hiểm tiền gửi đó là quá “bèo”, để khi ngân hàng đó phá sản thì khách hàng coi như vị mất trắng.


Dân Việt Nam ưa cam chịu, ít quan tâm hoặc bàng quan với chính trị và càng “chán đảng, khô đoàn” như một trần thuật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây, nhưng lại đặc biệt bức bối về những chính sách nhà nước có liên quan sát sườn đến túi tiền và nồi cơm của họ. Cái bất công của “bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng” đã chính thức được khuấy động trong dư luận xã hội khi giới truyền thông nhà nước lao vào cuộc - cũng bởi chủ đề này không phải quá “nhạy cảm chính trị” mà bị giới tuyên giáo trung ương bị miệng.


Trong khi đó, người ta biết rằng luật pháp Hoa Kỳ quy định khách hàng được nhận mức bồi thường đến 250 ngàn USD khi ngân hàng bị phá sản, tức cao hơn mức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam “vô số lần”.


Câu hỏi rất lớn phải giải quyết là nếu một số ngân hàng thương mại nào đó rơi vào tình cảnh phải phá sản, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sẽ chịu số phận ra sao?




“Xử lý nợ xấu” vẫn như rùa!

Nếu chiếu theo Luật phá sản, tài sản của ngân hàng phá sản sẽ phải nộp đầu tiên cho cơ quan thuế của nhà nước, sau đó mới đến việc thanh toán tiền tiết kiệm cho người dân và rồi mới đến doanh nghiệp. Nhưng đó chỉ thuần túy là lý thuyết.


Không có gì chắc chắn đối với điều được xem là “an toàn” của các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là nhiều ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ, luôn là tác nhân trong những đợt sóng kinh hoàng về tăng lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay.


Vào năm 2017, tình hình còn nguy hiểm hơn nhiều so với năm 2016: thị trường tín dụng đã và đang lan truyền thông tin về một số ngân hàng thương mại nhỏ và cả ngân hàng nằm trong top đầu đã lọt vào “danh sách đen”. Kể cả và đặc biệt là “ngân hàng quốc doanh lớn nhất” Agribank với tư cách quán quân bị ra tòa vì tham nhũng…


Tuy nhiên trong và sau kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2017, bản “danh sách tử thần” các ngân hàng có nguy cơ phá sản vẫn được giấu kín. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng chỉ nói úp mở là sẽ “thí điểm xử lý nợ xấu” tại 6 ngân hàng thương mại, nhưng không cho biết tên các ngân hàng này.


Trong thực tế, những ngân hàng được chọn đặt lên thớt xử lý nợ xấu như thế lại rất gần với tương lai phá sản.


Động thái “thí điểm phá sản ngân hàng” từ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vào cuối năm 2016, Quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của Thủ tướng Phúc ký vào tháng 6/2017 và tin tức về “chính phủ phê duyệt phá sản ngân hàng” mới đây lại lồng trong bối cảnh nợ xấu thực chất trong hệ thống ngân hàng đã lên đến 900 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 40 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2017, khá nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng thêm về số tuyệt đối, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ.


Trong khi đó, cả hai kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 và tháng 10 - 11 năm 2017 đã chỉ có thể “ra nghị quyết”, nhưng về thực chất không xử lý được một đồng nợ xấu nào. Từ đó đến nay, cho dù một số ngân hàng đã tích cực siết nợ “dưới ánh sáng soi đường của nghị quyết quốc hội”, nhưng tình cảnh vẫn chỉ được cải thiện rất ít.


Rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải “đội nón ra đi”, trước khi kế hoạch “tái cơ cấu ngân hàng” đạt mục tiêu giảm phân nửa số tổ chức tín dụng hiện có.




Những ngân hàng nào trong “danh sách tử thần”?




Vậy là vào những ngày này, đi đâu cũng nghe người dân, tiểu thương, công chức về hưu và không thiếu công chức đương nhiệm bàn tán xôn xao về chủ đề trên. Gương mặt nhiều người lộ rõ cũng vẻ hoang mang. Cụm từ “mất tiền gửi ngân hàng” trở nên phổ biến đến nỗi nó là đầu đề duy nhất của những cuộc bàn luận và tranh cãi suốt vài giờ đồng hồ mà chẳng có lối ra.


Cho dù Ngân hàng nhà nước hay giới quan chức chính phủ cố giấu nhẹm danh sách những ngân hàng bị liệt vào dạng “tái cơ cấu” - mà về thực chất là phải chấp nhận cho phá sản, dư luận từ nhiều người kinh doanh từ lâu đã đồn đoán về những cái tên hầu như chắc chắn nằm trong danh sách đó.


Trên hết là ba cái tên Ocean Bank - Ngân hàng Đại Dương, GP Bank - Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, CB Bank - Ngân hàng Xây Dựng - đều là những ngân hàng đại án có lãnh đạo bị bắt vào các năm 2014 và 2015.


Sau đó là DongABank - Ngân hàng Đông Á, PG Bank - Ngân hàng Xăng Dầu Petrolimex, Sacombank - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.


Ngoài ra, còn một số ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhưng tỷ lệ nợ xấu lại cao, cũng có thể bị phá sản hoặc sáp nhập như: VietA Bank, BacABank, OCB, SaigonBank, VietCapital...




Người có tiền “bảo toàn vốn” ra sao?




Không chỉ người lao động, công chức về hưu đang lo sốt vó, cả giới nhà giàu cũng đang nhanh chân “ra đi tìm đường cứu thân”. Một phần trong giới này là dân kinh doanh đa chủng loại nên cái gì cũng biết, chuyện gì cũng hay, từ lâu đã gửi một phần tài sản của họ - ít nhất 1/3 - ra các ngân hàng ở nước ngoài, bất chấp quy định của chính phủ về hạn chế gửi ngoại tệ qua biên giới Việt Nam. Khoảng 1/3 khác được họ đầu tư vào đất là “cái không thể mất đi được, dù có đổi tiền hay thay đổi chế độ”. Chỉ giữ lại khoảng 1/3 để làm vốn lưu động.


Tuy thế vẫn còn nhiều khách hàng nhà giàu có tiền nhàn rỗi lên đến vài ba chục tỷ hay hàng trăm tỷ đồng, chẳng biết làm gì nên gửi vào ngân hàng. Từ năm 2015 khi bắt đầu nghe rục rịch chuyện “phá sản ngân hàng” qua câu chuyện về Luật về các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua và ban hành, đồng thời chứng kiến cảnh nhiều quan ngân hàng Á Châu, Xây Dựng, Dầu Khí Toàn Cầu, Đại Dương, Đông Á… đua nhau dấn thân vào chốn tù đày, những người giàu đã âm thầm chuyển tiền từ ngân hàng thương mại nhỏ trong nước sang ngân hàng thương mại lớn trong nước, đặc biệt là nân hàng thương mại có cổ phần chi phối của nhà nước “cho chắc ăn”.


Nhưng một số nhà giàu khác còn muốn “chắc ăn” hơn nên đã rút sạch tiền gửi từ ngân hàng trong nước để chuyển vào ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, cho dù mặt bằng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng nước ngoài thấp hơn ngân hàng trong nước.




Thể chế “đất, vàng, đô”




Không hề muốn đau đớn, chính phủ của ông Phúc đang cố gắng phủi đi những hậu quả từ thời thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng để lại. Hiển nhiên, ông Phúc không hề muốn “ôm” những ngân hàng sắp phá sản, cũng như ông Phúc đã phủi tay không đưa số nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước - lên tới khoảng 230 tỷ USD - vào khái niệm nợ công quốc gia và Luật Nợ công.


Sắp tới đây, chính phủ sẽ “quyết” cụ thể chuyện phá sản ngân hàng. Khi đó, sẽ có thêm nhiều gương mặt phải ra đi, sẽ lòi thêm nhiều chuyện “hay ho và bổ ích”. Và có thể sẽ bùng nổ một cơn tháo chạy cuống cuồng khỏi khu vực ngân hàng màu mỡ…


2016 là một năm đại hạn cho giới chủ ngân hàng ở Việt Nam. Nhưng chưa phải hết.


2017 còn ghê gớm hơn khi ngay cả Trầm Bê - nhân vật từng được dư luận cho là “không thể bị bắt” vì là “tay hòm chìa hóa của gia đình anh Ba Dũng”, đã bị bắt vào tháng Tám.


2018 chẳng hứa hẹn gì tốt lành…


Số quan chức “tái cơ cấu ngân hàng” sợ và tháo chạy cũng phải. Bây giờ, không một “sân sau” nào còn an toàn.


Ngân hàng từng và vẫn còn là lãnh địa của một thể chế “đất, vàng đô” của giới quan chức và đại gia nhiều tiền lắm của. Nhưng một ngày kia khi cái lãnh địa ấy bị co hẹp lại đáng kể, sẽ khó trách dân không còn tin vào ngân hàng và chế độ khi rút tiền gửi ngân hàng để lại trút vào “đất, vàng, đô”, hình thành nên một thể chế mới ngoài thể chế chính trị.


Phạm Chí Dũng


(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét