Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Tàu lạ’ giết ngư dân: Từ oan hồn Trương Đình Bảy đến oan khuất Trần Văn Định


VNTB- ‘Tàu lạ’ giết ngư dân: Từ oan hồn Trương Đình Bảy đến oan khuất Trần Văn Định
Reply
‘Tàu lạ’ giết ngư dân: Từ oan hồn Trương Đình Bảy đến oan khuất Trần Văn Định, news,opposite, Phạm Chí Dũng, VNTB
6.4.17
Phạm Chí Dũng


(VNTB) - Tất cả chỉ còn lại màu tang tóc của biển và của những thân phận được cai trị bởi một chế độ bị coi là “hèn với giặc ác với dân.”



Tàu cá QNg 96677 TS bị tàu nước ngoài bắn với nhiều vết thủng.


Ngày 11/3/2017, lại thêm một cái chết oan khuất của ngư dân Việt Nam bởi “tàu lạ”.
Khi tàu QNg 96677 TS của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển thì bị một chiếc tàu vỏ gỗ (không rõ quốc tịch) tấn công, nổ súng bắn xối xả. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Mười cùng 12 thành viên trên tàu đã bỏ chạy, tuy nhiên ông Trần Văn Định (thuyền viên trên tàu QNg 96677 TS) bị đạn bắn vào đầu, tử vong ngay trên tàu.
“Tàu lạ” nào? Cơ quan nào của Việt Nam chịu trách nhiệm “điều tra làm rõ”?
Mọi việc đang tiến nhanh đến vô vọng bởi não trạng “ngư dân bám biển, hải quân bám bờ”.
Tháng Mười, 2015, một ngư dân Việt là ông Trương Đình Bảy đã bị một đám “người lạ” nhảy lên tàu cá của ông, xả súng AK giết chết ông. Dù sau đó chính quyền Đà Nẵng đã xác định đám người này đi trên một tàu có treo cờ Trung Quốc, phía Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn hoàn toàn cấm khẩu cho tới nay mà không công bố được bất kỳ manh mối nào về kẻ thủ ác. Hồn khí quyết tâm nín tiếng đến thế đã khiến tung tóe tất cả những gì dưới đáy lương tâm. Cho tới nay, có thể khẳng định rằng cái chết không thể nhắm mắt của ngư dân Bảy đã bị các cơ quan chức năng Việt nhấn thêm cho chìm xuồng hẳn.



Người dân làng chài đưa thi thể ngư dân Trương Đình Bảy từ tàu lên bờ. Ảnh: Minh Hoàng.


Vào giữa Tháng Hai năm 2016, một tàu cá của ngư dân Quảng Bình đã bị “tàu lạ” thả neo làm chìm, khiến ba ngư dân mất tích. Bộ Quốc Phòng cũng im bặt về chuyện này.
Tháng Ba năm 2016 – lại thêm tàu của năm ngư dân Việt (Khánh Hòa) bị “tàu lạ” đâm chìm trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tất cả những vụ trên vẫn chưa hề được nhà cầm quyền Việt Nam “tiến hành điều tra làm rõ.”
Trong khi đó vào tháng Ba, tại quân cảng Học Viện Hải Quân ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, quân chủng Hải Quân đã tổ chức thượng cờ, chính thức đưa vào hoạt động tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn, được đánh giá là “hiện đại nhất thế giới, có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, giúp Hải Quân huấn luyện, bảo vệ biển đảo tổ quốc.”
Trang khí tài quân sự không phải từ trên trời rơi xuống. Tất cả đều “từ nhân dân mà ra” – như một đoạn ca từ trong quân ca “Vì nhân dân quên mình.” Nhưng khi tình cảm đã quá vơi nhạt và còn bị phủ nhận, tiền bạc lại sống sượng lên ngôi. Tất cả đều từ thuế đổ đầu dân. Một “quân đội nhân dân Việt Nam” cùng những quân chủng anh hùng của nó như Hải Quân đã tiêu xài mỗi năm hàng trăm ngàn tỷ đồng từ công sức quần quật – mồ hôi, nước mắt, máu và cả sinh mạng của nhân dân, trong đó có nhiều ngư dân vẫn phải bám biển sinh tồn chứ không phải bám bờ nhũng nhiễu.
Hãy trải nghiệm những con số không biết đáng vui hay đáng buồn này: Báo cáo của cơ quan dự báo toàn cầu (iCD Research) cho biết, theo thống kê, ngân sách quốc phòng Việt Nam trong năm 2011 là 3 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD vào năm 2015 (tăng 2 tỷ USD).
Những năm qua, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận để mua sáu tàu ngầm lớp Kilo 636 và 20 chiến đấu cơ Su-30MK2 từ Nga. Chi phí cho quốc phòng cũng bởi thế đã đội đến 2,5% trên GDP vào năm 2011, nhưng đến nay có thể tăng tới 3-4% so với tổng thu nhập quốc nội. Tất cả đều là “tiền tươi thóc thật.”
“Quân với dân như cá với nước.” Nhưng có lẽ chưa bao giờ trong trang lịch sử vinh quang của mình, quân đội Việt Nam nói chung và quân chủng Hải Quân nói riêng lại chìm vào tâm thế cá đi đằng cá, nước đi đằng nước như một thập kỷ qua.
Khi nước mắt người thân và ngư dân phải nuốt vào lòng, lại một lần nữa Hải Quân và cảnh sát biển Việt Nam thõng tay. Nơi gió cát mặn khô vì nước mắt, người đàn bà ôm con ngóng chồng, trải mắt vô hồn vào lòng biển vẫn mãi từ chiều này sang chiều khác. Tất cả chỉ còn lại màu tang tóc của biển và của những thân phận được cai trị bởi một chế độ bị coi là “hèn với giặc ác với dân.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét