Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Phạm Bình Minh đi Mỹ: Thành công hay thất bại?


VNTB- Phạm Bình Minh đi Mỹ: Thành công hay thất bại?
Reply
news, opposite, Phạm Bình Minh đi Mỹ: Thành công hay thất bại?, Phạm Chí Dũng,VNTB
1.5.17
Phạm Chí Dũng


Người Việt



Cuộc gặp Rex Tillerson - Phạm Bình Minh tại Washington, DC vào tháng 4/2017.


Chuyến công du liên hoàn “Trung trước, Mỹ sau” của ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng, vào Tháng Tư năm nay rốt cuộc tiếp nhận được cái gì?
Hai “thành tích”
Tại Bắc Kinh, ông Minh có cuộc tiếp xúc với những nhân vật trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng cũng như kết quả chuyến công du của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc vào Tháng Giêng, hầu hết các trao đổi vẫn chỉ là lời nói xã giao “ấm tình đồng chí” nhưng không có giải pháp cụ thể nào, đặc biệt là giải pháp về tiền theo cách “hỗ trợ tín dụng để chế độ Việt Nam ổn định chính trị.”
Còn tại Washington, DC, ông Minh cũng được gặp những quan chức cấp cao, trong đó đặc biệt là ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia. Thành quả lớn nhất và có vẻ bất ngờ nhất là chính cố vấn an ninh quốc gia, chứ không phải giới ngoại giao của Mỹ, trao cho ông Minh bức thư của Tổng Thống Donald Trump mời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ. Động thái này diễn ra ngay sau khi Phó Tổng Thống Mike Pence thông báo tại Indonesia rằng ông Trump sẽ dự hội nghị APEC tại Việt Nam vào Tháng Mười Một. Đó là một kết quả lớn mà theo một chuyên gia phân tích chính trị của Mỹ, điều này khiến giới lãnh đạo Việt Nam hưng phấn và hy vọng hẳn lên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu quá nhiều sức ép về quá nhiều phương diện từ kinh tế, quốc phòng và xã hội.
Một kết quả khác, tuy không được rõ nét như kết quả trên, nhưng cũng có thể được xem là “kết quả” trong chuyến đi của ông Minh: báo đảng Việt Nam tường thuật “Hoa Kỳ ủng hộ việc Việt Nam tiếp tục được hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi IDA của Ngân Hàng Thế Giới (WB) phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn tới cũng như các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ APEC.”
Cần nhắc lại, IDA là một định chế tài chính của WB cho vay tín dụng lại suất ưu đãi dành cho các nước nghèo trên thế giới. Nhiều năm trước, trong khi luôn tìm nhiều cách để trưng bày thành tích “hóa rồng” và GDP lên đến 7-9% hàng năm cùng thu nhập đầu người lên đến vài ba ngàn đô la, giới lãnh đạo Việt Nam lại hành động ngược lại khi miệt mài xin tín dụng và viện trợ không hoàn lại. Lý lẽ đưa ra: Việt Nam là một quốc gia… vẫn còn nghèo.
Nhưng đến cuối năm 2015, với những thành tích tăng trưởng mà Việt Nam tự khoác lên mình, WB đã quyết định chấm dứt các chương trình cho vay ODA ưu đãi và bắt buộc Việt Nam phải tốt nghiệp IDA, nghĩa là sẽ phải vay tín dụng của WB với lãi suất cao hơn cùng thời gian ân hạn giảm đi. Đến lúc này, một hiện tượng lạ xảy ra: “Học sinh” Việt Nam tìm cách để được “lưu ban,” tức muốn được kéo dài thời gian vay ưu đãi IDA càng lâu càng tốt.
Tuy nhiên, đó là tất cả cho chuyến đi Mỹ của ông Phạm Bình Minh.
Sau tất cả, đã không có bất kỳ một hơi hướng hay manh mối nào về Hiệp Định Thương Mại Song Phương Việt-Mỹ (BTA).
BTA đâu rồi?
Sau chuyến đi Mỹ của ông Phạm Bình Minh, những tờ báo đảng tường thuật chi tiết nhất về những nội dung đã được mang ra bàn thảo Việt-Mỹ đã không một lời nhắc đến bản hiệp định mà giới lãnh đạo Việt Nam đang mong đợi, và hẳn là mong muốn hơn bao giờ hết.
Cần nhắc lại, chuyến công du Hoa Kỳ của ông Phạm Bình Minh được giới phân tích chính trị Hoa kỳ thông tin là một chuyến đi dọn đường cho cuộc thăm viếng Hoa Kỳ tiếp theo của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Lại có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu và mối quan tâm đầu tiên và trên hết của Việt Nam vẫn là thương mại song phương với Hoa Kỳ, sau đó mới là những chủ đề về “xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương” và “giao lưu” quân sự – quốc phòng Việt-Mỹ ở khu vực Biển Đông. Nhu cầu và mối quan tâm ấy ồn ã hẳn lên từ sau khi Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hầu như tan vỡ kể từ Tháng Mười Một, 2016 – khi Tổng Thống Trump tuyên bố đoạn tuyệt với hiệp định này, cũng chấm dứt luôn công sức cùng hy vọng kéo dài suốt sáu năm đàm phán của Việt Nam.
Sau 15 năm thực hiện BTA mà đã khiến phi mã giá trị giao thương Việt-Mỹ đến hàng trăm lần, giờ đây, chính quyền của Tổng Thống Trump đang tiến hành rà soát lại toàn bộ BTA này. Việc rà soát này xuất phát từ lời lên án của ông Trump về 16 quốc gia có thương mại song phương “gây hại” cho kinh tế Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân,” đồng thời ngưng trệ BTA hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt hẳn.
Trong khi đó, một nguồn “ngoại lực” khác là kiều hối về Việt Nam cũng đang sụt mạnh đến hơn $4 tỷ trong năm 2016 so với năm 2015, báo hiệu một chu kỳ khó tránh thoát về suy giảm tình cảm của “kiều bào ta” đối với chế độ cầm quyền, càng khiến chân đứng của chế độ này dễ bị vỡ vụn hơn bao giờ hết.
Nhưng muốn có được BTA lại không hề dễ dàng. Một BTA với Việt Nam được không chỉ do hành pháp mà còn là do Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định.
Còn nhớ vào năm 2015, chỉ riêng định chế quyền đàm phán nhanh (TPA) nằm trong TPP mà chính quyền của Tổng Thống Barack Obama đã phải trình ra hai viện của Quốc Hội Mỹ và đã phải bỏ phiếu đến nghẹt thở 3-4 lần mới thông qua được. Còn nay, trong bối cảnh hàng hóa nước ngoài đang có xu thế tràn ngập nước Mỹ và khiến sụt giảm giá trị xuất siêu của Mỹ, đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp tại nước này, chắc hẳn ông Trump sẽ không thể nhiệt tình đối với BTA cho Việt Nam mà không có những điều kiện đặc biệt kèm theo. Lối suy nghĩ và cách thức hành xử của ông Trump chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa và cả đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Mỹ khi nhìn thấy bản dự thảo BTA trước mặt.
Trong lúc đó, nhóm dân biểu quan tâm đến Việt Nam trong nhóm Vietnam Caucus đang trở nên hùng mạnh và ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Dân Biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ-California) là một trong những nhân vật như vậy. Vào đầu Tháng Tư, sau việc phía Việt Nam nêu ra một lời đánh tiếng để Thủ Tướng Phúc “sẵn sàng đi thăm Mỹ,” ông Lowenthal đã nói thẳng với Đài Á Châu Tự Do: “Tôi khẳng định với ngài đại sứ (Ted Osius) rằng Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ thương mại và ký kết BTA thì phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Nếu họ không làm thế thì không thể có BTA. Tùy thuộc vào chính phủ Việt Nam thôi! Đây là thông điệp của tôi chuyển đến chính phủ Việt Nam.”
Thế nhưng giới lãnh đạo Việt Nam có làm gì để cải thiện nhân quyền?
Còn EVFTA?
Cho tới nay, vẫn chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam chịu nhân nhượng bất kỳ nội dung nào trong “gói cải thiện nhân quyền” mà người Mỹ, một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, đặt lại. Thậm chí Luật Về Hội và Luật Biểu Tình – những quyền căn bản quá thiết thân của người dân mà Hiến Pháp Việt Nam từ năm 1992 hứa hẹn nhưng đã bị giới lãnh đạo Việt Nam nuốt lời suốt một phần tư thế kỷ qua, vào Tháng Tư năm nay bị Bộ Công An, chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc, cùng Quốc Hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân rút khỏi chương trình bỏ phiếu thông qua luật năm 2017 và cả năm 2018.
Hãy đề cập đôi chút về chuyến công du ba nước Châu Âu là Thụy Điển, Hungary, và Czech của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào Tháng Tư năm nay.
Chuyến đi mang một mục đích đặc biệt là “thúc đẩy quốc hội ba nước ủng hộ việc ký chính thức, phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU (EVFTA).”
Đáng lý ra, trách nhiệm vận động các nước thành viên thông qua EVFTA là của Nghị Viện Châu Âu. Nhưng hẳn do tình thế đã biến diễn như thể “nước đã đến chân,” giới chóp bu Việt Nam không thể ngồi rung đùi chờ đợi Châu Âu thông qua EVFTA như cách người Mỹ đã mang BTA đến tận miệng cho Việt Nam 16 năm trước, hay Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đặc cách xét cho Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này vào năm 2007. Mọi chuyện đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt sau khi TPP hầu như tan vỡ.
Một cách nào đó, chủ tịch quốc hội Việt Nam đã làm thay công việc vận động của Nghị Viện Châu Âu. Cũng có thể hiểu một cách nào đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải làm mọi cách để tìm ra một hiệp định thương mại thay thế cho TPP chết yểu, cũng là cách để ông có được thành tích mang lợi ích kinh tế về cho đảng và do đó sẽ kéo dài tuổi thọ tổng bí thư của ông. Rất có thể đó là lý do chính yếu mà ông Trọng “đẩy” bà Ngân đi Châu Âu vận động EVFTA với tư cách “kênh quốc hội,” bất chấp chính thể Việt Nam vẫn hoàn toàn không quan tâm và càng không hề tôn trọng nhân quyền theo yêu cầu của EU.
Nhưng khác hẳn với quan điểm nhẹ nhàng những năm trước về nhân quyền Việt Nam, từ sau khi bị một số tổ chức nhân quyền quốc tế thẳng thắn phê phán, EU bắt đầu chuyển sang thái độ mạnh mẽ hơn trong việc đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền. EVFTA chính là một bằng chứng khi hiệp định này lần đầu tiên đã gắn điều kiện Việt Nam phải cải thiện nhân quyền với lộ trình triển khai các điều ước thương mại.
Kết quả đáng thất vọng đối với phái đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là sau các cuộc làm việc ở Châu Âu, không có bất cứ một khoản viện trợ không hoàn lại nào được phía chủ nhà thông báo dành cho Việt Nam. Ngay cả Thụy Điển – vốn được Việt Nam hy vọng nhất về “tình cảm rất đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” – cũng không còn tỏ ra hào phóng như thường biếu một số tiền viện trợ không hoàn lại vào những lần giới lãnh đạo Việt Nam thăm Thụy Điển những năm trước. Thậm chí, lãnh đạo Quốc Hội Thụy Điển cũng không hứa hẹn bất kỳ điều gì liên quan đến viện trợ không hoàn lại trong thời gian tới cho Việt Nam. Hẳn quốc gia này vẫn chưa thể quên việc họ đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 2013 sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại Giao Úc và vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.
Trong khi không nhận được khoản viện trợ nào, đoàn “quốc tế vận” của bà Kim Ngân cũng không có được văn bản cam kết nào của quốc hội ba quốc gia này là “sẽ thúc đẩy để Liên Âu sớm phê chuẩn EVFTA.” Tất cả chỉ là nói miệng theo lối xã giao mà chẳng có gì chắc chắn!
Muốn EVFTA được thông qua, phải có sự thống nhất của quốc hội thuộc 27 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần vài nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại.
Cho tới Tháng Tư, Việt Nam vẫn chưa có được manh mối đáng hy vọng nào cho cả EVFTA lẫn BTA. Tương lai gần rất dễ nhận ra là nếu không có những cải thiện đáng kể nào về nhân quyền từ giới lãnh đạo Việt Nam, chuyến đi Mỹ sắp tới của Thủ Tướng Phúc sẽ trở nên công cốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét