Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Thông tin đặc biệt về Đinh La Thăng chưa từng công bố (phần 2)


Thông tin đặc biệt về Đinh La Thăng chưa từng công bố (phần 2)

Đăng bởi Elvis Ất on Sunday, April 30, 2017 | 30.4.17



Về việc đầu tư đa ngành của Tập đoàn dầu khí quốc gia VN.






Thật kỳ lạ, báo chí nước nhà đang viết khá thoải mái về một nhân vật chính trị tầm cỡ như ông Đinh La Thăng. Dẫu rằng đã có đề nghị kỉ luật, thì đây vẫn là một trong 19 người quyền lực nhất Việt Nam.
Và kỳ lạ hơn, từ hôm qua đến nay, tôi thấy nhiều báo như Vietnamnet, VOV, Dân Việt, lại đồng loạt phỏng vấn một nhân vật có tên Nguyễn Đình Hương, nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương. Trên tờ Vietnamnet, ông Nguyễn Đình Hương tỏ ý không đồng tình với cách điều hành quản lý doanh nghiệp của ông Đinh La Thăng. Ông Hương còn cho biết đã từng cảnh báo ông Thăng rằng: “Mình làm dầu khí thì chỉ làm dầu khí thôi”.


Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố hôm 27-4 cũng quy trách nhiệm đối với ông Đinh La Thăng về việc đầu tư dàn trải. Cụ thể như sau: “Đồng chí (tức ông Đinh La Thăng) có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án ở thời kỳ đồng chí làm lãnh đạo tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp…”. Thông tin này có lẽ mọi người đều đã đọc, vì báo chí chính thống hôm thứ 5 vừa rồi thông tin rất chi tiết với những dòng tít nổi bật.


Ở đây đang đặt ra vấn đề đầu tư phân tán, ngoài ngành dầu khí, tức việc đầu tư, kinh doanh đa ngành của Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN).


Câu hỏi đặt ra là, việc kinh doanh đa ngành có phải là chủ trương của cá nhân ông Đinh La Thăng hay không?


Thực tế, việc phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành nghề là chủ trương ở cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước. Cụ thể như sau:


Ngày 7-3-1994, Thủ tướng Chính phủ khi ấy là ông Võ Văn Kiệt đã ký quyết định về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, trong đó có nêu nguyên tắc tập đoàn kinh tế nhà nước có thể hoạt động đa ngành nghề, tất nhiên phải tập trung lĩnh vực chính. Quyết định này cũng nêu rõ, mỗi tập đoàn được phép thành lập công ty tài chính để huy động vốn, điều hoà vốn phục vụ cho yêu cầu phát triển của tập đoàn, hoặc liên doanh với các đơn vị kinh tế khác.


Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khoá IX, do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ký vào tháng 9-2001, có nội dung chỉ đạo phải đổi mới, nâng cao hiệu quả của các tổng công ty nhà nước, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, thực hiện kinh doanh đa ngành nghề.


Ngày 29-8-2006, đề án thành lập Tập đoàn dầu khí quốc gia VN được Chính phủ phê duyệt, trong đó cho phép kinh doanh đa ngành.


Ông Đinh La Thăng về làm lãnh đạo PVN vào năm 2006.


Thực tế, không chỉ riêng ngành dầu khí thực hiện kinh doanh đa ngành nghề, mà rất nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước như: Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), Tập đoàn điện lực VN (EVN), Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT), Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV)… đều đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản… Trong đó, nhiều tập đoàn cũng kinh doanh không hiệu quả. Ví dụ, dự án đầu tư vào EVN Telecom của Tập đoàn điện lực VN với số vốn đến 2010 là 2.442 tỉ đồng, lỗ trên 1.050 tỉ đồng.


Một số dự án đầu tư của PVN bị thua lỗ, lý do vì sao tôi sẽ bàn ở bài viết sau. Bài viết này chỉ nhằm cung cấp thêm một số thông tin để các anh chị nắm rõ hơn về chủ trương đầu tư đa ngành. Theo tôi được biết, sau 7 năm thực hiện kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành dầu khí, PVN từng được đánh giá đạt được nhiều thành tựu và là trụ cột kinh tế hàng đầu của đất nước.


Trở lại phát biểu của ông Nguyễn Đình Hương trên Vietnamnet. Tờ Vietnam viết rằng: “Nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương (tức ông Hương) cho biết ông đã cảnh báo ông Đinh La Thăng cách đây hơn 5 năm. “Mình làm dầu khí thì chỉ làm dầu khí thôi. Khi tôi cảnh báo, cậu ấy (ông Thăng -PV) thanh minh 'sẽ trình bày phương án đa năng của cháu'. Tôi là tôi không đồng tình”.


Thật kỳ lạ, lời cảnh báo đưa ra đây hơn 5 năm. Mà, năm 2012, ông Đinh La Thăng không còn là lãnh đạo của PVN. Từ năm 2011, ông Đinh La Thăng đã chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.


Ông Thăng phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện đầu tư dàn trải ở PVN!


Vậy, ai, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về việc đầu tư dàn trải, kinh doanh đa ngành của tất cả các tập đoàn kinh tế nhà nước trong suốt thời gian qua?

Xem phần 1:

http://www.tintuchangngayonline.com/2017/04/nong-mot-so-thong-tin-ve-inh-la-thang.html


Bạch Hoàn


(FB Bạch Hoàn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét