Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017
Gãi Dư Luận
Tuấn Khanh - Gãi Dư Luận
Đăng bởi Elvis Ất on Saturday, April 29, 2017 | 29.4.17
Thông tin ông Đinh La Thăng đột ngột bị đề nghị kỷ luật và có thể bị mất chức bí thư Sài Gòn sau hội nghị trung ương 5, khóa 12 khiến không ít người quan tâm. Vì bởi, ông Thăng là một nhân vật rất ồn ào. Khi ông về nhậm chức tại Sài Gòn, rất nhiều trò trình diễn để lấy lòng người dân Sài Gòn đã diễn ra, bao gồm tổ chức hàng loạt tờ báo, truyền hình đăng nhanh các lời tuyên bố, liên tục hình ảnh hoạt động của ông… thậm chí còn có cả báo lên tiếng thề nguyện sẽ đồng hành cùng ông Thăng trong cuộc cầm quyền ở thành phố.
Nhớ lại những ngày như vậy, mọi thứ đầy rạo rực khởi đầu và cũng đầy bẽ bàng về sau. Tương tự như ông Đoàn Ngọc Hải khi thực hiện cuộc đập phá vỉa hè có đầy đủ bộ sậu đi theo ghi hình, quay video, ghi lại từng cuộc đối thoại như người đang dẫn đầu cho một cuộc cách mạng mới, thì ông Thăng cũng không khác gì với chuyện tổ chức chụp hình dọn cây, nói về Nobel y khoa Việt Nam và Hòn ngọc Viễn Đông.
Bài bản thì chỉ có một, hết sức quen thuộc. Nhưng phải nhìn nhận rằng những cách thức ấy đã day động không biết bao nhiêu tấm lòng con người Sài Gòn đang khao khát muốn nhìn thấy thành phố của mình, đời sống của mình được đổi thay. Chưa bao giờ trên các diễn đàn, người ta nhìn thấy nhiều như vậy các lời ca ngợi, đặt để niềm tin… Đám đông ủng hộ nhanh chóng trở thành một lực lượng quần chúng hết sức rầm rộ. Thậm chí, trên các trang mạng, những ai đặt nghi vấn về sau thường trở thành mục tiêu bị công kích, chửi rủa của những người ủng hộ.
Chỗ ngứa của đám đông đang khao khát trông ngóng cái mới, mệt mỏi chờ đợi những điều tích cực đã được phương thức truyền thông như vậy gãi đúng chổ. Một loại gãi dư luận.
Khi ông Thăng công bố số điện thoại để mọi người gọi vào góp ý, hiến kế. Rồi sau đó có cả email thì không ít người đã hồi hộp gọi, nhắn, gửi… Chưa có số thống kê nào cho thấy bao nhiêu người đã tìm đến thành công, và bao nhiêu vẫn mỏi mòn chờ đợi. Khi có tin ông Thăng bị đề nghị kỷ luật và dự báo sẽ ra đi khỏi vị trí, đã có người thú thật là từng tin những lời kêu gọi đó đến mức đã viết thư hiến kế, mà mọi thứ không hồi báo. Một cảm giác thật khó tả khi tôi đọc được những điều này, pha trộn sự cảm thông, rồi cả buồn chán lẫn đau lòng.
“Tôi nghĩ rằng việc làm bộ có dân chủ, đôi khi còn hiểm ác hơn cả một chế độ độc tài trắng trợn”, bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ tinh thần của người dân Miến Điện từng nói như vậy. (Sometimes I think that a parody of democracy could be more dangerous than a blatant dictatorship)
Không phải đây là lần đầu. Mà từ lâu, cả nước vẫn luôn bị các phong trào gây ngứa trên dư luận, ở mọi các phương diện văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… rồi thỉnh thoảng vẫn có những đợt gãi dư luận như vậy. Có người tự hài lòng vì qua cơn ngứa, nhưng cũng có người sớm giật mình nhận ra mình tự cào cấu đến tóe máu từ các phong trào ấy. Cuộc sống trở nên điên cuồng với ngứa và gãi.
Trong câu chuyện của ông Thăng, các tờ báo từng tung hô ông ta, giờ đây chính là những tờ báo đăng sớm nhất các tin tức về kỷ luật, bao gồm phân tích về những sai phạm và thất thoát ngàn tỉ từ thời ông ta làm việc ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Mặc dù chính các tờ báo này đã từng phớt lờ các thông tin đưa được ra trên trang facebook của Osin Huy Đức, với tính dự báo. Các báo lại tiếp tục gãi dư luận, nhưng lần này trở mặt, chọn cách gãi vào cơn ngứa của dân chúng trước nạn tham nhũng của các quan.
Khi còn là Bộ trưởng Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân từng làm cả nước phát cuồng vì gãi đúng chỗ, khiến dư luận rầm rộ về một nền đại học, thi cử, bằng cấp… đầy tươi sáng. Nhưng rồi khi đại dịch đi qua, không ít người nhận ra đó chỉ là những trầy xướt trên đời mình, dở khóc dở cười.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, khi còn là thủ tướng, cũng đã từng một người có tài gãi dư luận đến tuyệt vời khi khôn khéo đưa ra những câu nói như “tình hữu nghị viễn vông”, cũng như là người đầu tiên khi nhắc về lịch sử đã chính thức gọi chế độ miền Nam cũ bằng một cái tên đàng hoàng là Việt Nam Cộng Hòa. Có không ít người tin vào một tương lai hòa hợp, hòa giải từ một minh quân vừa xuất hiện. Nhưng cũng ít ai để ý rằng ông Dũng chính là người đổi tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thành nghĩa trang Bình An, mà mục đích là nhằm tiện lợi và hợp thức hóa việc kiểm soát, lấn đất cũng như có thể giải tỏa trong tương lai mà không bị mắc kẹt với lịch sử.
Trong sự kiện 5 bài hát bị cấm cũng vậy. Dư luận ồn ào và ngứa ngáy suốt trong một thời gian dài. Cuối cùng khi thấy các quan chức cấp dưới của mình hoàn toàn đuối lý và lộ sự ngu dốt, các quan trên Bộ lập tức gãi dư luận bằng cách trả sự việc lại đời sống bình thường của nó, cũng như đẩy các đợt gãi đến mức không ít người thỏa thuê bằng việc cho đặt vấn đề rằng những người đưa ra lệnh cấm 5 bài hát liệu có khả năng làm việc hay không?
Gãi dư luận vẫn là phương thức của một nền truyền thông bị kiểm soát theo chỉ đạo và kiểm duyệt. Sự kiện khởi nghĩa ở Đồng Tâm cho thấy người nông dân cũng học được bài học rất lớn khi quyết từ chối đưa tin cho báo chí Nhà nước – tức có gây ngứa cũng không cho gãi, vì có cần gãi dư luận thì cũng phải chọn được mặt, gửi được đúng người.
Chỉ khi nào người dân nhận ra đất nước mình đang tràn ngập những cơn ngứa và gãi dư luận có chủ ý, nhằm điều khiển và mê muội tinh thần con người, mà đích đến mơ hồ và thiếu sự thật, thì lúc đó công dân mới không còn ở tư thế là những bệnh nhân.
Và nếu đất nước cứ bị vây hãm bởi những cơn ngứa, và chỉ được gãi bằng dư luận như một cách đối phó, và thực chất không có, thì tương lai phía trước chỉ toàn là những ổ bệnh vậy.
Tuấn Khanh
(Blog RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét