Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016
Tố Hữu cuối đời và Chê Lan Viên di cảo
VNTB- Tố Hữu cuối đời và Chê Lan Viên di cảo
Reply
Phùng Hoài Ngọc, society, Tố Hữu cuối đời và Chê Lan Viên di cảo, VNTB
15.10.16
Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) - Chẳng ai ghen ghét, vu cáo, nói xấu hai cây bút này. Những dòng thơ cuối đời của Tố Hữu và Chế Lan Viên đã tự phủ nhận hết cả rồi.
Cổ nhân có câu:
“Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói phải” *[1]
Một đời tung hoành trường văn trận bút, cuối đời ngẩn người ra. Chết rồi, ta sai hết rồi !
Nền văn chương “cách mạng” Việt Nam do một vị nhạc trưởng Tố Hữu và nhạc phó họ Chế múa bút điều hành. Cuối cùng vỡ trận giàn nhạc tụng ca, vỡ từ nhạc công vỡ lên, rối loạn đến nhạc trưởng. Nếu gọi là dàn hợp xướng CM thì hai ông này là hai giọng lĩnh xướng cao vút của giàn đồng ca.
Tôi sở dĩ lựa chọn hai cây viết thơ sau đây vì đương thời hai ông được coi là thủ quân và á quân thơ “cách mạng”. Nghiên cứu về hai ông này đồng thời chỉ ra đặc điểm chung của cả “giàn đồng ca”. Khái quát hơn nữa, chỉ ra đặc điểm của dòng thi ca “cách mạng” Việt Nam.
Tố Hữu- một chính khách thơ (1920- 2002)
Cảm hứng chủ đạo của ông ta chỉ xoay quanh hai chủ đề là kêu gọi căm thù địch và tụng ca chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra không có gì khác.
Tố Hữu trải qua hai giai đoạn thơ và là hai con người khác nhau.
Giai đoạn đầu còn mang tính chất nhà thơ mới vào đời.
Giai đoạn hai và suốt đời, Tố Hữu đứng trên đầu giàn thơ “cách mạng. Điều này hiển nhiên vì Tố Hữu giữ chức vụ cao nhất ngành tư tưởng văn hóa, cận kề thủ lãnh HCM và Bộ chính trị từ trước khi vào BCT, làm phó thủ tướng kéo dài mãi sau tới Đại hội 6 năm 1986. Thủ lãnh thơ chẳng phải vì tài thơ hoặc do bầu cử tôn xưng, chỉ là vì chức vụ cao - đó là một đặc điểm của cách mạng vô sản.
Sau Đại hội 6, Tố Hữu như từ trên trời rơi tự do xuống mặt đất lầm than, bèo nhèo. Nhân sinh quan, vũ trụ quan của ông ta thay đổi chóng mặt, đột ngột.
Tố Hữu buông ra lời oán trách lúc cuối đời qua bài “Một tiếng đờn” (tập thơ cùng tên):
Bởi vì giàn giao hưởng, hợp xướng vỡ trận, nhạc công ca sĩ bỏ đi hết, cho nên chỉ còn “một tiếng đờn” trơ trọi.
Một tiếng đờn
“Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi lệ bỗng tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn”.
“Còn khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim luôn sát muối oán hờn
Còn đây một chút trong đêm lạnh
Đầm ấm bên em một tiếng đờn”.
(Tố Hữu 20-2-1991)
Những cựu chiến binh, những cán bộ cao tuổi còn ai quyến luyến thơ Tố Hữu, xin hãy nghe “tiếng tơ lòng” của ông ấy.
Ta với ta (Tố Hữu 1999)
Thay đổi nghĩa chữ “Ta”.
Nhà thơ xưng “ta” trong tập thơ này, thực chất là xưng“tôi”- cái tôi cô đơn cá thể. Không còn “ta” với nghĩa “chúng ta” (bạn, đồng chí) như Tố Hữu quen xưng hô cho ra vẻ thân thiện ngày xưa nữa.
Bài thơ cuối cùng *[2]
Tạm biệt đời ta yêu quý nhất,
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất,
Sống là cho. Chết cũng là cho.
Thơ lộng ngôn suốt đời của Tố Hữu sắp cạn hơi vẫn cứ lộng ngôn, vẫn thủ pháp quen thuộc là khoa trương cường điệu. Cả một đời khoa trương cường điệu.
Ông ta tự hào mình là kẻ cao thượng, suốt đời đem cho và chết cũng vẫn cho.
Cho ai, cho cái gì, hạnh phúc hay khổ đau ? (Có người ngứa tay gõ thêm dấu sắc vào hai chữ “cho” câu cuối bài thơ tứ tuyệt). Sau hơn nửa thế kỷ dẫm đạp lên đầu thiên hạ, góp phần tàn hại văn hóa, thu vén hết quyền lực và bổng lộc, rồi mở miệng nói …cho !
Chế Lan Viên [3]*
Chế Lan Viên một nhà thơ thuần túy kiêm nhiệm làm thơ chính trị. Do vậy thơ Chế có trăn trở nhân tình hơn Tố Hữu một chút. Mặt khác Chế Lan Viên không phải là chính khách như Tố Hữu.
Bộ Di cảo thơ gồm ba tập I, II, III do NXB Thuận Hoá ấn hành lần lượt các năm 1992, 1993, 1996. Đó là những năm đỉnh cao chót vót “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh ra mắt bạn đọc tạo ra một bức ngoặt quyết định cho dòng văn chương phản tỉnh, bước qua lời nguyền, dòng văn sám hối.
Bài thơ sau đây Chế Lan Viên viết năm 1989 tân trang trên tứ thơ cũ năm 1920. Khoảng cách 69 năm dài… Thời gian đó quá dài, quá chậm để thể hiện một hồn thơ phản tỉnh sau một đời làm thơ cho “cách mạng”.
Những sợi tơ lòng
Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa
Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi,
Xuân đừng về! Hè đừng gieo ánh lửa!
Thu thôi sang! Ðông thôi não lòng tôi!
Quả đất chuyển giây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi Hư Vô!
Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!
Lửa hè đến! Nỗi căm hờn vang dậy!
Gió thu sang thấu lạnh cả hồn thơ!
Chiều đông tàn, như mai xuân lộng lẫy
Chỉ nói thêm sầu khổ với ưu tư !
Tạo hoá hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian!
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt!
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn!
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!”*[4]
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!
(14/1/1920 – 24/6/ 1989)
Cuối đời Chế Lan Viên viết lại bài thơ cùng tên “Những sợi tơ lòng” bày tỏ thái độ phủ nhận toàn bộ cuộc đời thơ “cách mạng” của mình.
Kết
Một đời thơ Tố Hữu đã được Nhà cầm quyền đảng nhà nước ghi công, bản thân và gia đình hưởng nhiều ân huệ, một đường phố ở Hà Nội được đặt theo tên ông ta.
Ngày nay vẫn còn không ít người theo quan điểm bảo thủ, “tiếc của”, vẫn bênh vực thơ Tố Hữu. Những người bênh vực thơ Tố chẳng qua chỉ là tự ái, sĩ diện. Họ tự bênh vực bản thân đấy thôi. Họ không đủ can đảm tự nhận mình một thời ấu trĩ, dù lỗi không phải của họ. Thế gian vô thường, con người ấu trĩ một thời là chuyện thường tình.
Có những anh làm báo và tuyên huấn thường nói rằng một nhà thơ có sức mạnh bằng cả sư đoàn, binh đoàn (!). Những anh phát ngôn chém gió như vậy chắc chắn gốc gác là nhà văn, nhà thơ đi làm tuyên huấn tự ca tụng, đề cao mình. Công bằng mà nói mỗi cây bút như là một chiến binh là đủ rồi. Lại có kẻ nói “ngòi bút sắc hơn đao kiếm”. Lịch sử chiến tranh thế giới xưa nay chưa bao giờ cho thấy đẩy lui được đối phương nhờ những trận võ mồm. Ngay từ thời Tam quốc, Tào Tháo là một thi sĩ giỏi hơn người, cũng chỉ khen văn sĩ Trần Lâm bên phe Viên Thiệu viết “Hịch đánh Tào Tháo” là giỏi. Tháo bảo Trần Lâm viết Hịch giỏi nhưng lãnh chúa Viên Thiệu ngu dốt thì làm thế nào. Tháo đâu có sợ. Đến nỗi, khi phá tan Viên Thiệu, bắt sống Trần Lâm, Tháo tha chết cho Trần Lâm, giữ lại dùng. Tào Tháo có con út giỏi văn chương thơ phú, ông ta rất cưng chiều. Con trưởng dốt văn nhưng giỏi võ, có bản lĩnh làm tướng mà Tào Tháo lại không ưa. Cuối cùng Tháo vẫn quyết định nhường ngôi cho con trưởng. Nhà văn La Quán Trung đúc kết nguyên nhân thắng trận là “Thiên thời- Địa lợi- Nhân hòa”, trong đó “thiên thời” (thời cơ khách quan tạo ra) là cơ bản nhất, không có chỗ nào dành cho văn chương. Tuy nhiên sang chế độ cách mạng vô sản, người đề cao văn học lại là Các Mác, trong Tuyên ngôn cộng sản 1848 ông trùm lãng mạn này dành cho văn học XHCN tới ¼ công trình nghiên cứu, đủ thấy nhà triết học này hồ đồ tới mức nào.
Bàn về văn học chiến tranh, dõi theo tâm tư phản tỉnh của hai đại biểu Tố Hữu và Chế Lan Viên là đủ đánh gía toàn bộ nền văn học ấy.
Chẳng ai ghen ghét, vu cáo, nói xấu hai cây bút này. Những dòng thơ cuối đời của Tố Hữu và Chế Lan Viên đã tự phủ nhận hết cả rồi.
Phần còn lại của giàn thơ đông đảo 1945-1965, xin hẹn một dịp khác chúng tôi bàn tiếp.
PHN
[1]*. Nguyên văn: “Tăng tử thuyết: Điểu chi thương tử, kỳ minh dã ai; Nhân chi thương tử, kỳ ngôn dã thiện”. (Lời Tăng Sâm, Luận ngữ). “
[2] * Nguồn:
a. Báo Văn nghệ, số 50, ngày 14-12-2002
b. Hà Minh Đức, Thơ Tố Hữu, NXB Văn học, 2009
[3] *.Nguồn: http://www.thivien.net/Ch%E1%BA%BF-Lan-Vi%C3%AAn/Di-c%E1%BA%A3o-th%C6%A1/group-gSrE5ZHRtsYsQaQXDoHGbg
[4] . Nhà thơ Chế Lan Viên tự nhắc lại bài thơ “Những sợi tơ lòng” tập “Điêu tàn” (1937) của mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét