Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016
Anh Trọng đi làm cảnh sát, tham bát bỏ mâm
Anh Trọng đi làm cảnh sát, tham bát bỏ mâm
Đăng bởi Ha Tran on Thursday, October 6, 2016 | 6.10.16
Tam quyền phân lập và sự phân công giữa ba cơ quan nhà nước nó khác nhau như trời với vực, thế mà cái Quốc hội cũng nhắm mắt nghe theo! Khi đường lối kinh tế “công hữu hóa”, “kế hoạch hóa”, “kinh tế chỉ huy” phá sản thì các anh buộc phải chấp nhận kinh tế thị trường, nhưng lại thò ra cái đuôi thị trường xã hội chủ nghĩa!
TBT Nguyễn Phú Trọng là 1 trong 7 người nằm trong Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Ảnh VOV
Dư luận bàn nhiều về việc anh Trọng tham gia quân ủy Công an, thực chất là đi làm cảnh sát.
Phàm một người muốn tìm và làm thêm việc để tăng thu nhập, cải thiện đời sống là chuyên bình thường trong thế giới hiện đại. Ngay như Hồ Chí Minh mở đầu tuyên ngôn Ba Đình cũng mượn lời người Mỹ, “Thượng đế cho mọi người quyền tự do mưu cầu hạnh phúc”. Vả lại cảnh sát, không chỉ ở nước ta, mà các nước khác cũng thế, họ vẫn tuyển người ngoài ngành để làm việc, đặc biệt là làm gíán điệp.
Anh Trọng đi làm cảnh sát cũng không có chi lạ. Chỉ tội một điều anh đã già, lại mới vào nghề ú ớ, liệu có nên cơm cháo gì không, lại mang tiếng với đời. Đứng đường làm anh hùng núp, vất vả lắm, mà phải có ngón nghề, tôi đã từng gặp họ giữa đêm khuya trên những cung đường hẻo lánh, khổ sở lắm. Liệu anh có làm được như “Min đơ, Min toa”? (tên hai người phú lít trong Số Đỏ) Sắm vai du côn đàn áp đánh đập thanh niên và người dân biểu tình phản đối Trung quốc chiếm biển đảo xây căn cứ quân sự, đòi Formosa phải bồi thường và xéo đi, có thể anh không nở, mà có nở thì cũng không xông xáo như bọn trẻ được. Còn đi làm bảo kê cho các đại gia, tranh phần, chia chác, cướp cơm chim của chúng nó, khó đấy, tay ngang, lính mới, không tranh giành được đâu.
Còn như việc vĩ đại là tham gia vào để cải tạo lại lực lượng công an cho lương và thiện thì anh đã vào cùng một giuộc rồi, lại càng vô vàn gian khổ. Cứ xem anh vừa chân ướt chân ráo vào nghề thì đồng đội, đồng hương của anh, chúng lợi dụng anh và ỷ thế làm càn với nhà báo thì rõ. Thủ đô thì như thế, ở Sài gòn, họ đánh đập tàn nhẫn người đàn bà bán hàng rong ngay ở trung tâm thành phố, có nể nang ai. Lương, nghĩa là lành mạnh, tử tế. Còn thiện vừa có nghĩa là tốt, không ác, hơn nữa lại còn có nghĩa giỏi giang, như người ta vẫn nói thiện xạ, bắn giỏi, thiện nghệ, giỏi nghề, thiện chiến…Tổ chức và cải tạo lại lực lượng công an là việc nên làm, ngành này cũng như mọi ngành khác của chế độ “ta” hư hỏng nhiều lắm, phải cải tạo để cho chúng lương thiện.
Còn nhớ cách nay đã ¼ thế kỷ, bấy giờ mới có hình thức quân ủy công an, sau đó mấy năm thì bỏ, nay lập lại, ngành công an đang có nhu cầu nâng cấp, xây dựng ngành. Nhân có đề tài “Chính sách thế hệ trẻ” do Giáo sư Phạm Tất Dong làm chủ nhiệm, tôi được mời làm thư ký đề tài. Quân ủy tổ chức mấy phiên họp bàn thực hiện đề tài trong ngành, anh Dong và tôi được mời tham dự. Phần tôi khi nghiên cứu đề án của Cục Thông tin do GSTS Nguyễn Đình Ngọc làm cục trưởng, tôi đã chọn một số ý tưởng để phản biện.
Tôi cũng thật sự mong ước có một ngành công an đúng như tên gọi, nó là sức mạnh để bảo đảm an ninh, an toàn, an ổn, an vui cho toàn xã hội, vì thế mà được gọi là công an. Khi được mời phát biểu tôi nói rõ những ý kiến đã suy ngẫm của mình. Tôi nói chính sách thế hệ trẻ thực chất cũng là chính sách đổi mới ngành, ngoài việc nghiên cứu đánh giá sự lao lực của ngành, vấn đề căn bản hơn là nhận thức mới về vai trò, vị thế và nhiêm vụ công an trong xã hội hiên đại, và ở nước ta là trong Đổi mới.
Ngày xưa không có công an chỉ có tuần đinh. Công cuộc đổi mới chắc chắn sẽ thúc đẩy hai tiến trình cơ bản và quan trọng, là kinh tế thị trường (bấy giờ chưa lưu hành khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN), và dân chủ hóa. Kinh tế thị trường sẽ đem lại hiệu quả tích cực, nhưng không tránh khỏi bọn gian doanh câu kết với gian cán để lũng đoạn kinh tế, đánh cắp tài sản của nhà nước và của dân, những kẻ giàu có và quyền thế sẽ ức hiếp dân lành. Dân chủ hóa thì phải biết tôn trọng dân, ngăn ngừa những sai trái có thể xảy ra trong chính quyền.
Tôi kể cho họ nghe một việc do Ban Dân vận Nam định báo cáo. Có một xí nghiệp, giám đốc có những sai phạm. Một hôm ban giám đốc họp, một công nhân liền đến tố cáo giám đốc. Anh ta bị giám đốc ra lệnh bảo vệ trói lại ở phòng bên. Công nhân bỏ máy vây phòng họp đòi thả người. Giám đốc gọi điện cho công an và một trung đôi đến. Nghe công nhân tường trình, họ án binh bất động. Giám đốc đề nghị công an giải tán đám đông, họ trả lời đây là việc nội bộ của nhà máy, công an không can thiệp chỉ đến giữ trật tự. Giám đốc buộc phải thả người và tự mình dùng răng gỡ nút thắt. Công nhân trở lại làm việc, công an ra về.
Tôi bình luận công an xử sự khôn khéo và đúng đắn. Có tướng còn nói phải điện khen. Có tướng bảo thử cho một định nghĩa về công an. Tôi khẳng định: Công an phải là một quyền uy. Nhưng là quyền uy của văn minh, văn hóa, nhân văn cao thượng, không thể là quyền uy của bạo lực, hung bạo, tàn nhẫn… Công an ngày nay phải là chàng hiệp sĩ bênh vực dân chủ, phải là chàng hiệp sĩ bênh vực kẻ yếu thế, thân cô thế cô trong xã hội, những người nhiều khả năng bị cường quyền áp bức tước đoạt…
Tôi thấy nhiều vị lắng nghe đồng tình, nhất là tướng Ngọc (nay đã mất) và anh Hoàn hai vị lãnh đạo cục Thông tin, hình như sau này đổi là tổng cục chiến lược, có vị sau đó còn gọi điện hỏi tôi thêm một vài chi tiết, mà ông ấy bảo không kịp ghi. Có vị tướng khi phát biểu đã kể về những tiêu cực trong ngành, ông kể có lân nhìn thấy một công an đạp đổ một gánh hành rong ở chợ trời, rất phản cảm. Ông nói chỉnh trang đô thị là sắp xếp công ăn việc làm cho trật tự nề nếp, văn minh, chứ không thể đồng nghĩa với đối xử thô bạo, nhẫn tâm với người lao động!
Đáng tiếc nhiều tướng tá sau đó ít lâu thì về hưu hoặc đã trở thành người thiên cổ. Dễ phải đến một phần tư thế kỷ mới có một tướng, giám đốc công an Sài gòn biết lên án hành vi tàn nhẫn vô đạo đức vô văn hóa của công an khi đối xử với người đàn bà bán hàng rong. Những người hàng rong là một thành phần của đô thị, cả ở châu Âu cũng thế. Vấn đề là sắp xếp cho họ hành nghề tử tế, chứ không phải đối xử tàn nhẫn với họ. Một vấn đề cụ thể mà cái quân ủy hồi ấy đã đặt ra, 25 năm sau vẫn không xử lý tử tế được!
Liệu anh vào ngồi đấy, có giải đáp một chuyện cỏn con như thế, nói gì tới những chuyện to lớn khác.
Tôi bảo anh tham bát bỏ mâm là thế!
Này nhé, anh ở cương vị Tổng bí thư, tôi không nói chuyện phục vụ Dân, phục vụ Nước. Nâng Dân lên đầu lên cổ như tổ tiên ta từng nói, đưa họ lên địa vị làm người, làm công dân có quyền lực thật, có đời sống vật chất và tinh thần xứng đáng. Ngay cái giai cấp công nhân mà anh và các đồng nghiệp ở trường đảng của anh vẫn rêu rao là giai cấp lãnh đạo, thì thật ra họ đang thực sự là nô lệ, là con rối, là con mồi (nạn nhân) của những tham vọng mới, chẳng khác gì với dự báo cuối đời của ông Mác!
Một giai cấp lãnh đạo của bất kỳ thời đại nào cũng phải hội đủ bốn yếu tố: Một là họ phải có đời sống vật chất và tinh thần trên trung bình của xã hội. Hai là họ phải trở thành giai cấp có văn hóa, có trí tuệ. Ba là họ phải có năng lực điều tiết sự vận hành của nền kinh tế. Và bốn là, họ phải có được quyền lực chính trị.
Mấy chục năm trước tôi đã trình bày ý kiến này tại một số hội thảo. Nhiều vị lãnh đạo như anh Tứ, anh Kỳ, anh Nhâm, nhiều ủy viên TW, bí thư tỉnh, có cả mấy bộ trưởng nói lần đầu tiên nghe lập luận như thế, nhưng họ bảo anh Mai ơi, anh nói đúng nhưng không làm được đâu! Không làm được điều này thì các anh làm cái gì.
Thật ra thì từ khi Lê Nin nói rằng chủ nghĩa Mác tìm thấy giai cấp công nhân là thân xác của mình còn giai cấp công nhân tìm thấy chủ nghĩa Mác là linh hồn của mình, thì cả thế kỷ nay hồn và xác đâu có nhập vào nhau. Có một đảng cộng sản nào trên đời này có chút thành công về chính sách giai cấp của mình, đưa họ thành giai cấp lãnh đạo của xã hội. Thấy trước trong đám nhốn nháo cộng sản, những nhân cách không ra gì, Mác tiên đoán, khốn nạn thay lại cực kỳ chính xác! Ông than thở với Bakounine rằng: sau khi cướp được chính quyền, giai cấp công nhân sẽ sớm thức tỉnh, để thấy mình là nô lệ, là con rối, con mồi của những tham vọng mới. Liệu có làm cho gai cấp công nhân Việt nam thoát khỏi cảnh bần cùng bị bóc lột như hiện nay, hay cũng chỉ là chạy quanh kiếm thêm ghế ngồi.
Có lần anh Tố Hữu sau khi về vườn than thở với tôi, rằng “họ không làm việc bằng cái đầu đâu, họ chỉ làm việc với cái đít thôi (lo cái chỗ ngồi). Anh Cương từng là viện trưởng viện Triết hài hước nói với tôi, không có chủ nghĩa mác xít đâu, chỉ có chủ nghĩa mác mít thôi! (marmite tiếng pháp nghĩa là cái nồi cơm).
Làm cho dân, làm cho giai cấp khó lắm, không bàn. Hãy bàn riêng cái chuyện phục dựng đảng cho ra đảng thôi. Cái việc mà một tổng bí thư phải lo trước hết. Ông Hồ từng thấy cộng sản chỉ dán nhãn lên trán, đã hư hỏng cũ kỹ, khuyết tật lớn nhất là kém lý luận, Mác – Lê Nin chỉ là thứ vô tình vô nghĩa! Từ thời củ tỷ nào ông Ăng Ghen đã nhận xét cớ sao các quan chức của đảng đều trở thành như một lũ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm. Ông ấy gọi các anh là quan chức. Đúng đấy, các anh danh nghĩa đúng đắn chỉ là quan chức của đảng, được chọn, bầu để làm thuê cho đảng, bởi cấc đảng viên đã đóng đảng phí để thuê các anh làm việc. Có một yêu cầu tiên quyết là phải xây dựng đảng để nó trở thành một lực lượng chính trị tiên tiến phụng sự Dân Nước. Nhưng mấy chục năm qua các anh đã không làm tròn, nghĩa là các anh hưởng lương vô tích sự. Việc lớn anh không lo làm lại bỏ đi làm cảnh sát, có phải là tham bát bỏ mâm không.
Chỉ riêng chuyện đảng thôi, tôi tính các anh phải tập trung ngày đêm suy tính “nửa đêm vỗ gối, lòng đau như cắt” cơ may mới có thể gỡ ra được. Này nhé:
Trước hết, một đảng chính trị phải có triết lý và đường lối khả tín. Khả tín, nghĩa là có thể tin được rằng nó đúng. Hiện nay, ngay cả các anh chính mình cũng không tin rằng đường lối và triết lý của mình là đúng đắn. Tôi đã nghe rất nhiều ủy viên bộ chính trị nói với tôi rằng, có nhiều điều mà mình không tin được, làm sao có thể bảo thanh niên chúng nó tin được. Ngay cả anh, anh cũng không tin vào chủ nghĩa xã hội cơ mà!
Tôi biết trong những anh em lãnh đạo hiện nay cũng có người đã từng chê bai, bài xích cái gọi là học thuyết Mác Lê và mô hình xô viết độc tài toàn trị, mà từng đề xướng, cổ vũ nên đi theo con đường xã hội-dân chủ như nhiều nước ở Đông Âu từng thành công. Điều không thể chấp nhận được là các anh vẫn đang tiếp tục đánh tráo khái niệm, chủ yếu là để chạy tội, lại tiếp tục lừa dối người dân ít học.
Khi đường lối tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chác, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội phá sản, các anh cho những trí thức bồi bút học mót Tàu cộng, đưa ra cái “cơ chế bao cấp” để làm hình nhân thế mạng! Một sự đánh lừa trắng trợn vẫn ra rã cho đến hôm nay. Người ta đang bái phục Canada, Đức, Úc, nhiều nước ở châu Âu đang bao cấp rất hay, đặc biệt là trong giáo dục. Vì sao cái xã hội Việt vốn lương thiện ngày xưa, nay đã trở nên dối trá lạnh lùng thản nhiên đến vậy trong hầu khắp mọi lĩnh vực xã hội, trong gia đình, trong nhà trường, trong thương trường, trong chính quyền, cả trong chùa chiền tín ngưỡng…
Phải lần cho ra cái đầu mối về sự dối trá trong triêt lý và đường lối của đảng cộng sản Việt Nam. Khi cái chủ nghĩa xã hội phá sản thì tìm thằng “bao cấp” để đổ tội. Khi buộc phải nói “tam quyền phân lập” thì chính anh đã đánh tráo khái niệm, đưa ra cái công thức “chỉ là sự phân công giữa ba cơ quan nhà nước”. Tam quyền phân lập và sự phân công giữa ba cơ quan nhà nước nó khác nhau như trời với vực, thế mà cái Quốc hội cũng nhắm mắt nghe theo! Khi đường lối kinh tế “công hữu hóa”, “kế hoạch hóa”, “kinh tế chỉ huy” phá sản thì các anh buộc phải chấp nhận kinh tế thị trường, nhưng lại thò ra cái đuôi thị trường xã hội chủ nghĩa! Và thay cho việc thay đổi não trạng để có chính sách làm cho Dân tự mình thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ thì các anh luôn đi van nài xin xỏ thiên hạ công nhận cho. Cái gọi là “chủ nghĩa xã hội”, nhất là cái “chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa”, về lý thuyết thì đầy mâu thuẫn lô gích, là một mớ tạp nham hổ lốn đầu ngô mình sở, mà ngay cả hai vị tổ sư là Mác và Ăng Ghen thì đã chối bỏ cho đó chỉ là ý tưởng trẻ con, ảo tưởng! Còn về hiện thực thì cả ở Liên Xô, cả Trung Hoa, Việt Nam… chẳng có gì gọi là xã hội chủ nghĩa, mà thực sự chỉ là một thứ chế độ xã hội vừa tư bản man rợ, vừa quân trưởng, siêu phong kiến!
Cả lý thuyết, cả đường lối, cả cấu trúc và phương thức xã hội của đảng đều đã và đang dẫn dân tộc vào ngõ cụt! Một nền kinh tế lầm đường, chi phí và trả giá quá đắt, quá lớn, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị xâm hại nặng nề, sự bất công quá lộ liễu, trắng trợn, đời sống của đa số người dân ngày càng khốn đốn mọi mặt. Xã hội phân hóa giàu nghèo quá bất công, bất bình đẳng, văn hóa đạo đức suy đồi chưa từng thấy. Một nhà nước không phải của nhân dân, mà là nằm trong tay những nhóm lợi ích vô phương kiểm soát! Nền độc lập, chủ quyền dân tộc đang bị Trung Hoa cộng sản bá quyền đại Hán xâm cướp và uy hiếp nghiêm trọng.
Là đảng trưởng, anh hãy quay về, đừng đi làm cảnh sát nữa, tập trung lo kiếm tìm đường lối mới, phương thức mới xây dựng lại cái đảng mà chính Hồ chí Minh đã nhận ra là nó “cũ kỹ hư hỏng” rồi. Nay lại càng thấy không chỉ là hư hỏng mà là đang thối rữa. Việc đồng chí trong tỉnh ủy Yên Bái dùng súng thanh toán nhau ngay trong cơ quan tỉnh ủy chính là dấu hiệu của tình trạng thối nát đã nhãn tiền.
Chỉ có hai lối vào con đường lớn của Dân tộc, để giữ gìn Độc lập và Chủ quyền, Phục hưng Đất Nước, Đoàn kết và hòa giải xã hội, đó là:
Thứ nhất, từ bỏ con đường vừa lỗi vừa lạc, theo Đệ tam Quốc tế, theo mô hình Xô Viết toàn trị, theo chủ thuyết Mác – Lê. Đừng chần chờ gì nữa. Hãy tỉnh dậy đi.
Thứ hai, hãy làm theo sự mách bảo sáng suốt của những người Dân chủ – Xã hội. Chính họ đã có những thành công mà nhân loại ghi nhận đã góp phần phục hưng nhiều đất nước sau chiến tranh, tạo dựng nhiều đất nước văn minh trong thời đại công nghiệp, hậu công nghiệp và tin học. Nhiều người có thành ý đều cho đây là lối ra danh dự của đảng cộng sản Việt Nam.
Để có thể dấn thân vào hai lối dẫn vào con đường lớn của dân tộc, hãy tìm về với dân. Nhân dân sẽ tha thứ lỗi lầm, sẽ mách bảo cho đường đi nước bước, trao cho năng lượng để có thể hóa thân hóa kiếp làm con người mới của dân của nước.
Nếu cứ khư khư kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê, cứ giữ nguyên cái lốt cộng sản đầy sai lầm và tội lỗi, chính các anh đã làm cho cái đảng này sẽ trở thành tội đồ của dân tộc, lịch sử sẽ lên án, mà nhân dân cũng không dung tha!
Tôi mách cho anh một câu nổi tiếng của một đảng viên cộng sản Pháp khi tuyên bố từ bỏ con đường cộng sản Đệ tam Mác Lê: “Le communisme ne’ dans la misere, il vit dans le mensonge et meurt dans la veritee” (Chủ nghĩa cộng sản sinh ra trong đói nghèo, nó tồn tài trong dối trá và diệt vong trong sự thật).
Nguyễn Khắc Mai
(Ba sàm)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét