Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Vương quốc dân oan, giảng viên đại học cũng tù oan.

                                    Ông Nguyễn Sỹ Lý. 

Vương quốc dân oan, giảng viên đại học cũng tù oan.
Chủ Nhật, 22/02/2015 20:42
Giảng viên ĐH đánh mất tương lai sau 2.000 ngày tù oan
Cả gia đình bỗng bị bắt sau cái chết của một thanh niên vào ngày 28 tết, Lý quyết định nhận hết tội về mình để mọi người được thả ra.
Sau 5 năm ngồi tù ông mới được giải oan.
Người giải oan cho ông không ai khác lại chính là người bạn tù chí cốt. Năm 1988, ông được tha về trong niềm vui sướng của gia đình, bạn bè và người thân. Cơ quan chức năng có bồi thường cho cựu giảng viên này số tiền 1 triệu đồng nhưng so với cuộc sống, sự nghiệp thì nó chẳng đáng là bao. Ông thừa nhận: “Tôi đã mất tất cả sau những tháng ngày ở tù oan như vậy”.
Vụ án oan ngày 28 tết

Đến bây giờ, ông Nguyễn Sỹ Lý (59 tuổi, ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn không thể quên được những năm ngồi tù. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về ông lại nhớ đến những ngày tháng đau khổ trong tù suốt 2.000 ngày đã qua.
Vụ án oan xảy ra từ một án mạng xảy ra vào ngày 28 tết năm 1983, khi đó Nguyễn Sỹ Lý mới 27 tuổi và đang là giảng viên trường Đại học Tây Nguyên.



Ông Nguyễn Sỹ Lý.

Đêm hôm đó, khi gia đình (thời điểm đó họ đang ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) đang quây quần bên nồi bánh chưng vừa vớt ra. Ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố Lý) nói với các con là mang nồi nấu bánh chưng sang trả nhà hàng xóm.
Ông vừa cầm đèn pin đi ra khỏi cổng thì xảy ra mâu thuẫn với hai anh em Bùi Văn Lai và Bùi Văn Vinh, trú ở xã bên sang chơi. Nghe tiếng ồn ào ngoài ngõ, mấy anh em Lý chạy ra xem sự tình. Thấy phía ông Huỳnh có đông người, Lai bỏ chạy còn Vinh nấp vào bụi cây bên đường. Sau đó cha con ông Huỳnh cũng vào nhà xem như chưa có chuyện gì xảy ra.
Khi thấy cha con ông Huỳnh bỏ đi Vinh mới vội vàng chạy theo anh. Nghe tiếng bước chân người chạy huỳnh huỵch phía sau, Lai cho rằng đó là người nhà ông Huỳnh đuổi đánh nên quay lại dùng dao đâm vào người đang chạy về phía mình. Nhát dao oan nghiệt đã cướp đi mạng sống của Vinh còn Nguyễn Sỹ Lý thì bị bắt tù oan.
Cụ thể, sau cái chết của Vinh, đến mùng 6 tết thì cha con ông Huỳnh bất ngờ bị triệu tập vì cho rằng có liên quan đến cái chết của nạn nhân. Những ngày nằm trong trại chờ điều tra, phần vì bị áp lực tinh thần, phần vì thương bố, thương anh nên Lý đã nhận hết tội, khai chính mình đã giết chết Vinh.
Anh đinh ninh rằng thủ phạm giết người thật sẽ không thoát được pháp luật, vấn đề chỉ là thời gian, còn mình rồi sẽ có ngày cũng được minh oan.
Ngày 20/9/1983, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Nguyễn Sỹ Lý 17 năm tù giam về tội Giết người. Đến lúc này Lý mới tỉnh ngộ ra rằng việc giải oan sẽ không còn nữa.
Vào tù, anh bắt đầu chuẩn bị kế hoạch tự minh oan cho mình với hy vọng sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình sớm, hung thủ thật sự của vụ án sẽ được làm sáng tỏ.

Nhớ lại những ngày ngồi tù oan, ông Lý vẫn còn rùng mình.

“Thời đó đói lắm, trong tù đến ăn còn chẳng có, bản thân tôi vẫn thường được gia đình thăm nuôi, tiếp tế đồ ăn. Dùng chính những thực phẩm đó, tôi chia cho các bạn tù để tạo mối “quan hệ” dần dần tôi kể chuyện của mình cho họ nghe. Nhiều người đồng cảm, thấu hiểu nhưng phải đến người bạn tù thứ 6 là anh Cao Tiến Mùi (hiện trú tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ) mới điều tra lại và minh oan được cho tôi”, ông Lý trầm ngâm nhớ lại.
Theo ông Lý, sau hơn một năm cất công điều tra, ông Mùi mới giải oan được cho bạn tù của mình. Thời điểm này, ông Nguyễn Sỹ Lý đã thụ án được 5 năm.
Tháng 1/1988, ông Lý được thả về đoàn tụ với gia đình, niềm vui như vỡ òa, biết bao dự định tương lai được dệt nên.
Cuộc sống sau những tháng ngày tù oan
Tuy nhiên, hơn một năm sau, đôi chân của ông Lý có dấu hiệu teo tóp rồi bị liệt. Ước mơ trở lại giảng đường đại học, ước mơ được bù đắp cho vợ con những tháng ngày sống hạnh phục sụp đổ. Năm 1991, ông Lý chuyển cả gia đình về xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn sinh sống.
“Sau ngày ra trại tôi được tòa án tỉnh bồi thường 60 tháng tiền lương, tương đương với 750.000 đồng. Ngoài ra, phía công an cũng đến bù 250.000 tiền sức khỏe. Tổng cộng ngày ra trại tôi có tròn một triệu đồng, số tiền đó chẳng đáng là bao sau 5 năm tôi bị ngồi tù oan”, ông Lý nói.
Bà Lê Thị Len (56 tuổi) người vợ đã thay ông chăm sóc đứa con nhỏ (ngày ông Lý bị án oan đứa con gái đầu mới hơn 1 tuổi) và chăm sóc bố mẹ chồng vẫn chưa quên được những tháng ngày đen tối ấy. Đến bây giờ, bà Len vẫn nhớ như in cái ngày mà chồng bị bị bắt rồi kết án vì tội giết người. Trong thâm tâm, bà tin chắc rằng chồng mình không phạm tội nhưng bà không biết kêu ai đành chờ đợi.
Cuối năm 1988, vợ chồng ông Lý đón cô con gái thứ hai, 3 năm sau ông bà lại đón cậu con trai út. Những đứa con ra đời là niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng cũng là gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai người vợ.

Căn nhà của gia đình ông Lý sống hiện tại.

“Tôi chỉ mong ông ấy và các con khỏe mạnh thì mình có chịu cực khổ một chút cũng không sao. Giờ đây, hàng xóm láng giềng hiểu chuyện nên yêu thương, quan tâm vợ chồng tôi lắm. Được sống giữa lòng bao dung của mọi người thì con gì bằng”, bà Len nói và cho biết thêm, hàng ngày, ông Lý vẫn giúp bà gói giò, làm đậu phụ để kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Niềm vui lớn nhất của hai ông bà bây giờ là hai đứa con học hành ra trường có công việc ổn định.
Bà Trần Thị Sáu, xóm trưởng nơi gia đình ông Lý đang sinh sống, cho biết: “Từ ngày vợ chồng ông Lý chuyển về đây, ông ấy sống rất hòa đồng với bà con chòm xóm. Dù là người tật nguyền nhưng ông ấy sống chuẩn mực lắm, việc gì ông ấy có thể giúp được mọi người là ông ấy làm ngay”.
Gần 27 năm được trả lại tự do, ông Lý vẫn chưa thể thôi nỗi ám ảnh: “Hàng đêm, tôi vẫn nằm mơ thấy ác mộng, thấy tôi bị giam cầm, xiềng xích”. Nỗi oan ức giờ đây đã lùi xa, ông Lý có thêm một người bạn tri kỷ, có thêm một người anh em -người đã giải không quản ngãi khó khăn đi tìm công lý giải oan cho ông.
Nhiều lần ông tặc lưỡi tiếc nuối nếu mình không dính vào những chuyện như thế này thì có lẽ giờ đây ông vẫn đang là một giảng viên đại học chứ không là một người tật nguyền như thế này.
Zing

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét