Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015
CÔNG ƠN
CÔNG ƠN
Đăng lúc 31/01/2015 23:21 Trong Tôi Viết | 2 Bình luận
Tục ngữ Việt Nam không thiếu những câu dạy lòng biết ơn: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn, Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi, Chim có tổ người có tông, …Lòng biết ơn là một phẩm chất đạo đức được đề cao, đối lập với thói vô ơn, bạc nghĩa thường bị nghiêm khắc lên án.
Nhưng dạy lòng biết ơn là dạy chung, để người được nhận ơn đừng quên người đã làm ơn, để tỏ là nguời “có trước có sau”, có “chung có thủy”, chứ chẳng mấy ai làm ơn lại ngồi kể lể công lao hay đòi nguời nhận ơn phải ca ngợi công đức của mình.. Kể công và ơn thì không ai bằng cha mẹ. Từ mang nặng đẻ đau, rồi nuôi cho lớn lên, qua bao ốm đau, sài đẹn; lại cho ăn cho học, dựng vợ gả chồng.. ..Khi ta đã trưởng thành, có gia đình riêng, bố mẹ lại lo chăm bẵm, nuôi dạy, …hết đứa cháu này tới đứa cháu khác, chẳng hề phân biệt nội ngoại… Cho tới khi tóc ta đã có sơi bạc, cha mẹ nhiều khi vẫn chưa hết lo lắng, bù trì. Nhưng có khi nào các bậc sinh thành nói tới công ơn với con cháu (trừ trường hợp đó là những lời cảnh tỉnh cuối cùng đối với những đứa con đứng trước vực thẳm, dường như không còn cứu vớt được nữa)
.
Ấy thế mà người ta cứ hay kể lể công ơn của đảng, khiến nhiều nguời cảm thấy vừa hợm hĩnh vừa ngạo ngược. Thực ra, cái tội là của mấy anh tuyên giáo (nay gọi là dư luận viên hay báo cáo viên). Các anh muốn “lập công dâng đảng” để con đường tiến thân được hanh thông nên tìm mọi cách đẹp lòng đảng bất chấp đạo lý luân thường.
Nhớ năm 1990, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập đảng. Trong cuộc họp để thảo luận về công ơn của đảng, Tổ trưởng đồng thời là bí thư chi bộ, cứ nói đi nói lại, yêu cầu mọi người phát biểu nói lên công ơn của đảng và lòng biết ơn của mình với đảng. Nhưng đáp lại, chỉ có sự im lặng.
Phần lớn thành viên trong tổ là nữ, các bà các chị bận rộn nhiều công việc, hết trách nhiệm “cô giáo như mẹ hiền” lại đến bổn phận ở gia đình “Trong khi lửa tắt cơm sôi, Lợn kêu con khóc…” , chẳng mấy khi có thời gian trò chuyện (ngôn ngữ tân thời nay gọi là “buôn dưa lê”) nên được dịp chuyện nở như ngô rang. Còn dăm đấng mày râu thì từ ngày kinh tế khó khăn phải từ bỏ thuốc lá “vượt Trường Sơn sang Lào” một nhóm chuyền tay nhau cái điếu cày, rồi lần lượt ngửa cổ lên nhìn mái ngói lơ mơ tròn miệng nhả khói, vài ông không biết hút thuốc lào thì tranh thủ căm cúi trên trang sách, bù lại thời gian đã dành cho các “thủ trưởng” ở nhà (Lúc ấy để cải thiện đời sống, nhiều nguời nuôi lợn. Vì bao nhiêu vốn liếng dốc cả vào con lợn nên ai cũng lo cho con vật còn hơn cả bản thân mình hay nguời thân. Trò chuyện trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ nỗi lo hay niềm vui nuôi lợn, mọi người thường gọi vui là “thủ trưởng”, từ “sếp” chưa thịnh hành.) Cứ sau mỗi lần nhắc nhở của Tổ trưởng, tất cả lại “lặng ngắt như tờ”, chừng nửa phút sau, tiếng chuyện trò lớn dần tới khi gần như “chợ vỡ” thì lại có lời nhắc của “nguời cầm chịch”, chỉ có tiếng rit thuốc lào và tiếng sột soạt lật dở các trang sách là vẫn cứ đều đều khoan nhặt. Lâu quá mà tất cả vẫn chẳng có gì thay đổi, nhưng chẳng lẽ suốt buổi họp mà không ai có ý kiến gì, biên bản để giấy trắng? Tổ trưởng bèn chỉ định một anh vốn hay “ý kiến” trong các cuộc họp:
Ông là người hay phát biểu, nhiều ý hay lắm, sao hôm nay chẳng thấy nói?
Nguời được chỉ định vẫn im lặng như không nghe thấy gì, trong khi ai cũng chỉ mong cuộc họp chóng kết thúc để còn về. Lương tháng chỉ có thể dè xẻn được một tuần lễ, cùng lắm là mười ngày, không ai không phải tìm những công việc khác nhau để kiếm thêm. Mỗi nguời dù làm bất cứ nghề nào cũng có bao nhiêu việc đang đợi ở nhà. Tổ trưởng lại thúc thêm mấy lần, anh em cũng ùa theo, giục giã ngần ấy lần nữa:
- Thôi, nói đi, để còn về!
Nguời được Tổ trưởng chỉ định gấp cuốn sách đang đọc dở, nói:
Tôi chỉ sợ tôi nói rồi anh em lại chê trách.
Tổ trưởng động viên:
Ai lại chê trách! Gì thì cũng là mình chân thành!
Rồi ông phấn khởi nói với nguời được phân công ghi biên bản buổi họp:
- Cô chú ý ghi biên bản đầy đủ nhé!
Thôi được, Tổ trưởng đã chỉ định, anh em đã cho phép thì tôi xin nói. Không được ai phê phán đấy!
Mọi người trong tổ, nhất là các bà các chị đều động viên “hết cỡ” để mong chóng được “giải phóng”.
Nguời được chỉ định sau vài cái hắng giọng, nói tiếp:
- Trước đây, cha mẹ tôi có ý định cho tôi theo nghề dạy học là để nối nghiệp nhà. Nếu không có đảng, chắc chắn tôi chỉ biết mỗi cái nghề “gõ đầu trẻ” như cha ông tôi thời thực dân phong kiến.. Nhưng nhờ ơn đảng, sau hơn hai chuc năm đi dạy học đến nay tôi còn biết rất nhiều nghề khác. Nào là làm mì sợ gia công, nào là cuốn thuốc lá, nào làm bột sắn dây, rồi còn nuôi gà, nuôi lợn, rồi đánh máy bản thảo cho các nhà xuất bản, thậm chí có thời gian dù xuất thân và lớn lên ở thành thị, tôi còn biết cả đánh dậm kiếm con tôm con tép cải thiện bữa ăn cho vợ con. Nếu không có đảng, tôi chỉ có mỗi nghề dạy học. Nhưng nhờ có đảng, ngoài nghề dạy học ra, tôi còn biết rất nhiều nghề khác và tôi cảm thấy có những nghề tôi còn giỏi giang hơn cả nghề dạy học.
Mấy bà phụ nữ nghe cứ bụm miệng cố nén tiếng cười. Một ông (cũng có tiếng bạo ăn bạo nói) đập tay xuống mặt bàn, lớn tiếng:
Cũng là chân thành đấy chứ!
Chị thư ký buổi họp cố lấy giọng bình thản, hỏi:
- Có ghi biên bản không, Tổ trưởng?
Tổ trưởng chẳng nói gì. Một lúc sau thì cho giải tán.
Theo Ông giáo làng blogspot
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét