Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015
"Gói mì tôm có ma": Không kỷ luật vì đã... đền đủ
"Gói mì tôm có ma": Không kỷ luật vì đã... đền đủ
"Tôi đã trả đủ tiền, đã xin lỗi và các đối tượng đều đã vui vẻ chấp nhận rồi nên có gì đâu mà kỷ luật".
Không bị kỷ luật vì đã...đền đủ?
Như thông tin báo Đất Việt đã đưa về việc ông Mai Hiển Dũng, cán bộ phụ trách Lao động, thương binh và xã hội của xã Trịnh Xá (người bị tố cáo) sẽ tính lãi suất đền trả nạn nhân, chiều ngày 5/1, phóng viên có cuộc trao đổi thêm xung quanh hình thức kỷ luật cá nhân người vi phạm.
Ông Mai Hiển Dũng cho biết: "Uỷ ban nhân dân xã đã tổ chức một buổi gặp xin lỗi với những đối tượng bị khuyết tiền. Buổi gặp mặt này, chúng tôi đã thông tin tới tất cả cơ sở ban, ngành trong toàn huyện và xã.
Tôi đã chính thức xin lỗi những đối tượng bị trả thiếu tiền, mới đầu họ có phản ứng gay gắt về những hành động sai trái đó nhưng tôi cũng không quan tâm lắm. Sau một lúc bên uỷ ban giải thích, họ đã chấp nhận và đã thoải mái hơn."
Ông Ngô Trung Sổng, một người khuyết tật nặng ở xã Trịnh Xá, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam chỉ nhận được 180.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng thay vì 270.000 đồng như quy định
Ông Dũng nói thêm về số tiền đền trả: "Tôi đã đền trả cả 5 đối tượng số tiền là 5triệu 4, tính cả lãi suất ngân hàng và số tiền bị thiếu những tháng trước đó. Riêng cá nhân ông Sổng còn có cả văn bản đã nhận đủ tiền của tôi rồi".
Nói về hình thức kỷ luật sau những việc làm sai trái của mình, ông Dũng nói: "Tôi đã trả đủ tiền, đã xin lỗi và các đối tượng đều đã vui vẻ chấp nhận rồi nên có gì đâu mà kỷ luật. Nếu có kỷ luật thì đấy là việc của xã hội và pháp luật. Dù là mức phạt nào thì tôi cũng chấp nhận và không có vấn đề gì cả."
Theo ông Dũng: "Hiện tại tôi vẫn đi làm bình thường, vẫn đảm nhiệm công việc đó. Chưa có công văn, chỉ đạo thay thế người từ cấp trên về công việc tôi đang làm."
Hứa xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật
Chia sẻ thêm về sự việc, ông Nguyễn Phú Độ - Phó chủ tịch UBND xã Trịnh Xá cho biết: "Đối với một số trường hợp nhận thiếu tiền thời gian qua chúng tôi đã trực tiếp xin lỗi và hứa sẽ xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Còn việc đền trả số tiền thiếu cho các nạn nhân ông Dũng là người chịu trách nhiệm hoàn toàn".
Về hình thức kỷ luật ông Dũng, ông phó chủ tịch UBND xã cho hay: "Bên công an thành phố vẫn đang điều tra vụ việc chưa có kết luận, nhưng hình thức xử phạt sẽ tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý.
Ông Dũng già rồi, sắp đến tuổi về hưu và cũng nhận ra lỗi lầm, tuy nhiên vụ việc gây bức xúc dư luận nên cần phải cân nhắc kỹ mức độ xử phạt."
Theo quyết định của UBND thành phố Phủ Lý thì ông Sổng được điều chỉnh mức trợ cấp lên 270.000 đồng/tháng và hưởng từ tháng 10/2013.
Trong khi ông Dũng nói vẫn đi làm bình thường thì ông Độ cho biết: "Hiện tại, ông Dũng đã bàn giao lại công việc cho người khác làm, tạm thời ông Dũng sẽ không đảm nhiệm những công việc liên quan đến phát tiền trợ cấp cho các đối tượng trong xã nữa. Những việc làm sai trái của ông Dũng thời gian qua giờ không còn tín nhiệm để tiếp tục công việc."
Liên quan đến vụ việc, ngày 4/1, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng chỉ đạo Cục Bảo trợ xã hội phối hợp cùng cơ quan chức năng xác minh làm rõ hành vi của cán bộ xã, truy cứu trách nhiệm của những người liên quan, sai ở mức nào thì xử lý nghiêm ở mức đó trong thời gian sớm nhất.
"Trong lúc cả nước đang tập trung lo Tết cho người có công, người nghèo, người tàn tật thì sự việc trên gây phản cảm trong dư luận. Đây là việc làm đáng lên án, thiếu nhân văn, dứt khoát phải xử lý nghiêm", bà Chuyền nói.
Gói mì tôm có ma hay quan đánh rơi sự tử tế?
Hà Giang
(Đất Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét