Nhân lời phát biểu của Giáo sư Nguyễn Phú Trọng
Xem xong bài viết, ai cũng phải giật mình khi nhớ lại rằng,
ông Nguyễn Phú Trọng vốn là sinh viên Tổng hợp Văn (khóa 8). Sinh viên Khoa Văn
trường Tổng hợp Hà Nội đều được học về văn học Trung Quốc, trong đó có Tây Du
Ký. Vậy mà, trong một phút hưng phấn giữa chốn đông người, ví dụ mà ông đưa ra
vừa khập khiễng, vừa tỏ ra là ông chẳng hiểu gì về văn học và về Phật giáo!
Có người nói rằng: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối
lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ..." là có ý nói việc hối lộ
không những là bản tính của tất thảy con người phàm tục, mà ngay cả những con
người ở thế giới thanh tịnh được coi là đã diệt trừ được Tham, Sân, Si, Mạn,
Nghi và Ác kiến cũng vẫn có chuyện tham nhũng và hối lộ. Nói như thế là để ngụ
ý: việc chống tham nhũng là việc khó cô cùng, và không chống được tham nhũng
cũng là điều hết sức hiển nhiên.
Vâng, việc chống tham nhũng đương nhiên là khó. Nói là khó,
nhưng nếu thực tâm thì vẫn có cách tốt hơn rất nhiều để hạn chế việc này. Ở
đây, tôi không bàn đến việc chống tham nhũng được hay không, cũng không bàn đến
việc hạn chế tham nhũng bằng cơ chế ưu việt nào, mà chỉ bàn đến một khía cạnh
mà người ta hay hiểu nhầm về đoạn kết của câu chuyện Tây Du Ký.
Lòng người luôn tham dường như là đúng. Chúng ta luôn muốn
có nhiều, nhiều hơn nữa những giá trị về mọi mặt. Những giá trị ấy nhìn dưới
góc độ Phật giáo thì chỉ là phù du, bóng nước. Phật chỉ thừa nhận có 2 giá trị
thực sự mà thôi, đó là sức khỏe và trí tuệ. Ngoài 2 giá trị Sức khỏe và Trí tuệ
ra, các giá trị còn lại khác chỉ làm cho con người luẩn quẩn lâu hơn mà không
thể liễu thoát sanh tử, không thể Đáo Bỉ Ngạn, hay không thể đạt đến cảnh giới
Niết bàn và thành Phật được. Nhà Phật thường nói: muốn đến Niết Bàn, chứng đắc
thành Phật thì con người phải biết từ bỏ Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến.
Vậy, làm thế nào để từ bỏ những điều trên? Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến
từ đâu mà ra? Vâng, nếu biết những điều trên từ đâu mà ra thì giải trừ nó mới
dễ dàng, giống như người chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nếu biết rõ nguyên nhân
vì sao bạn bị bệnh, thì mới mong cải thiện được nó.
Nhà Phật xác định rõ nguyên nhân của Tham, Sân, Si, Mạn,
Nghi và Ác Kiến là do thái độ Tư Tình và Tư Sản tạo ra. Vâng, đúng vậy. Nếu
chúng ta không đau đáu về tình cảm riêng (nghĩa rộng) và tài sản riêng thì
Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến sao dễ dàng nổi nên cho được. Vậy, trong
truyện Tây Du Ký thì cái bát vàng chính là vật đại điện cho cả Tư Tình và Tư
Sản của Đường Tăng. Mặc dù trong đời sống xuất gia, bình bát vốn là biểu tượng
của nhà tu khất thực (khất sĩ trì bát). Nhưng ở đây, chiếc bình bát của Đường
Tam Tạng nguyên là của vua Đường tặng cho ngự đệ (em vua) kết nghĩa – đó chính
là Tư tình. Bình bát ấy bằng vàng – một thứ kim loại quý hiếm – đó chính là Tư
sản. Vì vậy, bình bát của Đường Tăng trong tình huống này tượng trưng cho của
cải, tình riêng và danh vọng ở thế gian. Để nhận kinh báu của Phật, thì buộc
phải dâng nạp bình bát là ngụ ý: muốn thọ lãnh đạo giải thoát của Phật, con
người phải xuất gia, phải lìa bỏ danh vọng và của cải thế tục.
Ngày xưa, khi Thái tử Cồ đàm tìm đạo giải thoát, Ngài đã
phải đánh đổi cả ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cả cuộc sống nhung lụa đế vương.
Ngay ở Việt Nam ta cũng vậy, thì khi vua Trần Nhân Tông đi tìm đạo giải thoát
cũng phải bỏ lại tất cả, ngai vàng, quyền lực, tam cung, lục viện.v.v…lấy đạo
hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà) và tu hành, thì mới được
người đời sau cung kính gọi là “Phật Hoàng”.
Tóm lại, việc buộc Đường Tăng phải trao bát vàng trước khi
nhận kinh Phật là phương pháp áp dụng trực tiếp trong hoàn cảnh cụ thể của
Đường Tăng, để diệt trừ Tư tình, diệt trừ Tư sản, loại bỏ mọi của cải và danh
vọng của thế tục, diệt cái cội nguồn của tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến,
chứ không phải là vấn đề tham lam, hay hối lộ gì ở nơi nước Phật.
Vài lời ngắn ngủi xin được chia sẻ với những ai còn hiểu
nhầm, hay cố tình hiểu nhầm để làm gì đó. Xin cảm ơn.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Phật tử Phúc Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét