Người thật chuyện giả
Kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”
Nguyễn Văn Trỗi
Trong xã hội CS, vô số “anh hùng” được dàn dựng, khác nhau
về bố cục, tình tiết nhưng đều tuân theo một nguyên tắc: người thật chuyện giả.
Một vài ví dụ điễn hình là Hướng Lôi Phong, Huang Jiguang, Wang Jinxi, Shi
Chuanxiang của Trung Cộng, Pavlik Morozov, Alexey Stakhanov của Liên Xô và vô
số người thật chuyện giả ở Việt Nam. Cái chết của Nguyễn Văn Trỗi là một ví dụ
quen thuộc của kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”.
Tố Hữu viết về cái chết của Nguyễn Văn Trỗi trong bài thơ
Hãy nhớ lấy lời tôi:
Anh thét to: "Ta có tội gì đây ?"
Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt
Anh thét lên: "Chính Mỹ kia là giặc!"
Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!
….
Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!
Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ
Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy
Anh hãy còn hô: "Việt Nam muôn năm!"
Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm!
Một người bị trói cả hai tay vào “cọc mấy vòng dây” mà còn
tay nào để “giật phắt mảnh băng đen”?
Ngay cả khi bị “Mười viên đạn” “gục xuống” làm sao còn
"đứng thẳng dậy" để hô?
Những câu chuyện hoang đường chỉ có trong đầu cuồng tín bịnh
hoạn của Tố Hữu mà trong tuổi về già đã thú nhận với Trần Đăng Khoa trong Chân
Dung và đối thoại rằng chính y đã nhét vào mồm Nguyễn Văn Trỗi: “Tôi cho cả
Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia”.
Bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi đầy nghịch lý, khinh thường hiểu
biết của người đọc, phạm những lỗi lầm sơ đẳng, thế nhưng đã được đưa vào mọi
sách giáo khoa. Những trò tuyên truyền bỉ ổi đó không phải chỉ trong thời chiến
mà nửa thế kỷ sau khi nhân loại sống trong thời đại toàn cầu hóa 2014 này vẫn
còn có những văn nô, bồi bút đem ra ca ngợi. Mấy tuần qua, nhan nhản trên các
báo đảng, bài thơ buồn cười đó cũng được đem ra học tập giống như trong thập
niên 1960 ở miền Bắc.
Một ví dụ khác về kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện
giả” là “anh hùng Nguyễn Văn Bé”. “Anh hùng” này đã làm cả hệ thống tuyên
truyền của đảng hố to và có lẽ “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé” là trường hợp duy nhất
sau 1975 đảng gián tiếp thừa nhận chỉ là sản phẩm tuyên truyền.
Nguyễn Văn Bé là ai ?
Theo cả hai nguồn tài liệu, Việt Nam Cộng Hòa và CSVN,
Nguyễn Văn Bé sinh năm 1946 tại quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình
nghèo. Y tham gia các hoạt động CS tại địa phương và chính thức trở thành đoàn
viên Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng trực thuộc đảng Nhân Dân Cách Mạng
(tên gọi của đảng CS khi hoạt động tại miền Nam Việt Nam). Nguyễn Văn Bé gia
nhập bộ đội CS ở tuổi 19 và được giao trách nhiệm tải súng đạn. Vào năm 1966,
trận đụng độ giữa quân đội CS và quân Mỹ, Bé bị bắt cùng với số vũ khí mà y
đang tải vào ngày 30 tháng 5, 1966 tại kinh Cả Bèo, xã Mỹ Quý, tỉnh Kiến Phong.
Đến điểm này hai bên, VNCH và CSVN, đều tường thuật gần
giống nhau. Theo bộ máy tuyên truyền CS phát ra từ Hà Nội, “anh hùng Nguyễn Văn
Bé” dù bị tra tấn chẳng những không khai một lời mà còn phát biểu những câu nói
bất hủ “Tất cả hành động của Mỹ rồi cũng chẳng khác gì bong bóng của xà phòng
sẽ bị nước sông cuốn đi”. Cuối cùng, Nguyễn Văn Bé bị đưa đến một trung tâm gần
xã Mỹ An. Tại đây, Nguyễn Văn Bé, sau khi nháy mắt ra dấu cho người thợ cày
đứng gần để chạy ra xa, đã nâng 10 kí lô mìn Claymore khỏi đầu, miệng hô lớn
“Mặt trận Giải Phóng Miền Nam muôn năm, đả đảo đế quốc Mỹ” trước khi đập mạnh
khối mìn vào thành một chiếc tăng M118. Khối mìn nỗ lớn và cả kho đạn bị nỗ
lây. Cũng theo bản tin của đài phát thanh Hà Nội, “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy”
chết ngay tại chỗ, ngoài ra nhiều thương vong do đạn lạc gây ra sau đó. Tuy
nhiên, một anh hùng như thế mà chỉ giết được “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” thì
quá ít nên trong những bản tin sau đó con số lính Mỹ chết được tăng lên 96.
Tức khắc khi câu chuyện được đăng trên báo Nhân Dân ở miền
Bắc và các báo bí mật ở miền Nam, các cơ quan tuyên truyền bắt đầu chỉ thị học
tập noi gương “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” của “Liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. “Sự
hy sinh của anh không những được cả thế hệ thanh niên Việt Nam kính phục mà còn
nhận được sự thán phục bởi tuổi trẻ toàn thế giới”.
Bàn tay Nguyễn Văn Bé dùng để đập khối bom được báo đảng gọi
là “bàn tay thiên tài”. Nhiều vở kịch được dựng ngay để diễn lại “hành động anh
hùng” của Nguyễn Văn Bé. Một bài báo đảng cho biết sức mạnh của bàn tay Nguyễn
Văn Bé chắc chắn được thúc đẩy bởi một lực huyền bí vì “chẳng những giết ngay
gần hàng trăm kẻ thù mà còn tạo nên một ảnh hưởng dây chuyền dẫn đến một phong
trào làm theo anh hùng Nguyễn Văn Bé khắp cả nước”. Nói chung, hình ảnh Nguyễn
Văn Bé như ngôi sao mầu nhiệm làm cả nước đều tin. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng
thôi thúc con người miền Bắc. Nhiều thanh niên đã gác hết chuyện học hành, gia
đình để tình nguyện vào Nam chiến đấu theo gương “anh hùng Nguyễn Văn Bé”
Các cơ quan tuyên truyền địa phương tin chắc rằng Nguyễn Văn
Bé đã chết.
Thật không may cho đảng, Nguyễn Văn Bé không chết. Anh đã
đầu hàng, tình nguyện chiêu hồi và còn sống bình an. Các hình ảnh anh chụp với
gia đình được báo chí phổ biến rộng rãi. Trên đài phát thanh, đoạn băng
"Tôi là Nguyễn văn Bé, hãy còn sống đây..." được phát mỗi ngày khi
bắt đầu chương trình. Nguyễn Văn Bé thật có đụng độ nhưng trận chiến chỉ kéo
dài không đến 30 phút. Theo báo Time, anh ta chưa bao giờ bắn một viên đạn,
thay vì trốn trong con kinh đào và bị nắm tóc kéo lên.
Để phản công trong trận chiến tuyên truyền, phía Việt-Mỹ đã
in hơn 20 triệu truyền đơn, bảy triệu minh họa, 465 ngàn bích chương, 167 ngàn
tấm hình Nguyễn Văn Bé, 10 ngàn bài hát và rất nhiều chương trình truyền thanh
truyền hình nói về sự thật Nguyễn Văn Bé đã đầu hàng, hồi chánh và hiện sống
bình an. Các cơ quan tâm lý chiến Việt Mỹ còn phỏng vấn cha mẹ Nguyễn Văn Bé và
giúp đưa gia đình họ đến khu vực an toàn. Các cơ quan tuyên truyền của đảng CS
phản ứng bằng cách tổ chức rầm rộ ngày kỷ niệm một năm “anh hùng Nguyễn Văn Bé
hy sinh”. Các đài phát thanh, báo chí và cả báo chí Liên Xô cũng đăng bài thương
tiếc “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. Nhân dân miền Bắc lại tiếp tục tin rằng anh đã
thật sự hy sinh.
Sau 1975, quả thật với một chiến công to lớn như vậy, Nguyễn
Văn Bé không những chỉ có tên đường mà phải một tên phố, một công viên mang tên
anh. Nhưng không, bởi vì sự giả dối như thế quả quá trâng tráo và trắng trợn.
Câu chuyện ngụy tạo Lê Văn Tám còn có thể im lặng vì thời gian quá xa nhưng
Nguyễn Văn Bé vẫn còn mang tính thời sự, nhiều người trong thời đó còn sống,
nhiều tác giả nhạc, văn, thơ còn chưa hết sượng sùng.
Tội ác của bồi bút và văn nô
Hiện nay hầu hết các “anh hùng xã hội chủ nghĩa” ở 15 nước
cựu Liên Xô và các nước Đông Âu, một số bị chôn vùi trong tro bụi thời gian,
một số chỉ còn xuất hiện trong các truyện tranh vui giải trí (comic book),
riêng tại Việt Nam, không chỉ các thế hệ măng non mà cả thanh niên, sinh viên
còn phải học, phải tin vào những mẩu chuyện hoang đường một cách đáng thương
và tội nghiệp. Dĩ nhiên không phải tại các em những nạn nhân bất hạnh đã sinh
ra và lớn lên trong xã hội lọc lừa. Ngoài chính phạm là đảng CS, tội ác này còn
có sự a tòng của đám văn nô, bồi bút, những kẻ chỉ vì chút bổng lộc đảng ban
cho mà chịu cúi đầu làm tôi mọi, tiếp tay với đảng làm băng hoại mọi giá trị
đạo đức và tương lai dân tộc.
Người viết xin trích một số đoạn trong bài thơ Tản mạn về
thơ và đồng nghiệp của nhà thơ Thái Bá Tân để kết luận cho bài viết này:
Đất nước cần thần tượng?
Dạ, có ngay, có ngay.
Cần anh hùng? Rất dễ.
Anh hùng thì có đầy.
Thế là Lê Văn Tám,
Nguyễn Văn Bé trung kiên,
Rồi nhà tù Phú Lợi,
Rồi kéo pháo Điện Biên...
Rồi báo cáo, tổng kết,
Rồi thi đua, phê bình,
Cái việc ai cũng biết
Là lừa người, lừa mình.
Trần Trung Đạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét