Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Sự kiện Đồng Tâm: trách nhiệm của bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân?


Sự kiện Đồng Tâm: trách nhiệm của bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân?

Đăng bởi Ha Tran on Saturday, April 22, 2017 | 22.4.17


Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang làm gì khi mà các vị trong hội đồng nhân dân ở huyện Mỹ Đức, ở thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục im lặng trước yêu cầu và nguyện vọng của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội?






Sở dĩ cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, vì căn cứ theo Luật tổ chức chính quyền địa phương (2015) mà chính quốc hội đã bấm nút thông qua, thì những ông, bà nghị của huyện Mỹ Đức và của cả thành phố Hà Nội đều phải chịu mọi trách nhiệm, mọi hậu quả xảy ra trong vụ việc người dân xã Đồng Tâm đang phản đối chính quyền địa phương, bắt giữ cán bộ công quyền.


Sự kiện đang diễn ra ở xã Đồng Tâm, qua ý kiến của rất nhiều người, rõ ràng không có hướng giải quyết nào tốt hơn, là chính quyền thành phố Hà Nội cần đối thoại với người dân. Cần giải quyết những khiếu nại, tố cáo và cả những kiến nghị, nguyện vọng của người dân một cách hợp tình, hợp lý. Trên cơ sở công khai và xử lý nghiêm những vi phạm, sai phạm của chính quyền và lãnh đạo địa phương (xã, huyện) theo đúng quy định của pháp luật.


Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành động bắt người, giữ người của người dân xã Đồng Tâm xét về mặt pháp luật là không đúng. Tuy nhiên cần phải làm rõ nguyên nhân, nguồn gốc của những hành động này. Trong pháp luật hình sự, khi người khác có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì người chống lại (dù gây ra hậu quả chết người) vẫn có thể được xem xét, miễn trách nhiệm hình sự.


Như vậy, nếu chính quyền Hà Nội, trong khi hàng loạt sai phạm, vi phạm của chính mình không được xem xét, sửa chữa, mà lúc nào cũng chỉ chăm chăm nhìn người dân qua lăng kính độc đoán, vô cảm, xem người dân như những kẻ phạm tội và đã sẵn sàng áp dụng những phương cách giải quyết nghiêm khắc nhất - mà không phải là sự chia sẻ thông tin và đối thoại - sẽ không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Đó không phải là phương cách giải quyết của một Nhà nước mang bản chất vì dân, do dân như đã nêu tại Hiến pháp 2013. Dĩ nhiên, nếu căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp 2013, thì trách nhiệm bao trùm thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trở lại với trách nhiệm của bà chủ tịch Quốc hội. Trong những ngày qua, người ta còn thấy sự “biệt tích” bất thường và trái quy định của Hội đồng nhân dân các cấp trong sự việc này ở huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội. Theo quy định, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân là người “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương”. Trong trường hợp của Đồng Tâm, thậm chí ngay cả khi ý chí và nguyện vọng của Nhân dân chưa thực sự đúng và hợp lý, thì Hội đồng nhân dân huyện, thành phố vẫn phải liên hệ làm việc, tìm hiểu và lên tiếng phản ánh ý chí, nguyện vọng của người dân. Chứ không thể để tình trạng như hiện nay.


Và cả đại biểu Quốc Hội, các cơ quan đoàn thể khác như: Hội nông dân, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của thành phố Hà Nội... cũng phải lên tiếng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Đồng Tâm. Vì đây là trách nhiệm theo luật định.


Quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương (2015):


Điều 6. Hội đồng nhân dân


1. Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.


2. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.


Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.


3. Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định, khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.


Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp.


4. Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.


Điều 7. Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân


1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.


3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.


4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.


Trúc Giang
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét