Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017
Cải cách thể chế tại Hội nghị Trung ương 5
Cải cách thể chế tại Hội nghị Trung ương 5
Đăng bởi Ha Tran on Thursday, April 20, 2017 | 20.4.17
Một trong những nội dung được nhiều nhà quan sát chính trị tại Việt nam nói tới trong thời gian trước Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng sản, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây, là vấn đề cải cách thể chế, mà cụ thể là nhất thể hóa các chức danh giữa đảng và chính quyền nhằm tinh giảm bộ máy, tránh chồng chéo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung (phải) tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 2 năm 2016.
Theo Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, có nhiều khả năng hội nghị trung ương 5 sắp tới sẽ xem xét những báo cáo về thí điểm nhất thể hóa một số chức danh ở một số địa phương thời gian qua.
“Trong cải cách thể chế bây giờ thì phải đặt ra một cách quyết liệt hơn. Nếu không quyết liệt hơn thì sẽ làm cho quá trình đổi mới đang gặp nhiều khó khăn trở ngại, trong đó có khắc phục những hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng cũ, rồi hướng đi mới cho phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Do đó cải cách thể chế phải được đặt ra.
Trong rất nhiều việc thì thực chất đảng là nơi quyết định cao nhất, nhưng việc thực hiện hoặc đưa ra các văn bản pháp quy hoặc ký chính thức trên giấy tờ là chính quyền.
- Bà Phạm Chi Lan
Đảng và chính phủ cũng đặt ra bước làm thí điểm ở một số tỉnh thành là nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo của đảng và chính quyền ở một cấp nào đó. Ví dụ như cấp phường xã, cấp huyện thị. Người ta đã làm ở một số tỉnh thí điểm như Quảng Ninh. Các đoàn đi khảo sát về thì bây giờ cũng đang tích cực để có báo cáo cuối cùng để xem là kết quả ra sao, để xem có thể mở rộng.”
Trước đó vào ngày 27 tháng 3, đoàn giám sát của Quốc hội Việt Nam đã đến khảo sát tình hình cải cách bộ máy hành chính tại tỉnh Quảng Ninh. Báo chí trong nước trích lời phát biểu của một số đại biểu quốc hội nói rằng họ ‘mê’ mô hình nhất thể hóa của tỉnh Quảng Ninh và đề nghị tỉnh này tiếp tục thực hiện mô hình này. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Thị Thu Thủy được báo trong nước trích lời cho biết trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện tại 7/14 nơi, đạt 50%, bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện tại 2/14 nơi. Ở cấp xã, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa hai chức danh ở hội đồng nhân dân ở 75/186 xã và nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã ở 76 /186 xã.
Giảm chồng chéo, tiết kiệm tiền thuế
Việc thực hiện nhất thể hóa các chức danh cấp ủy và chính quyền đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ năm 2014 theo đề án 25 của tỉnh. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, tính đến đầu năm 2016, Quảng Ninh đã ‘thẳng tay’ giảm hơn 1,600 công chức – viên chức và hợp đồng lao động, tiết kiệm được gần 300 tỷ đồng.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành tổ chức xây dựng đảng năm 2017 cũng nhận định đảng có hai yếu kém lớn là bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc và hoạt động kém hiệu quả. Ông nói ‘nhân dân bức xúc về việc chi tiêu cho bộ máy, công chức lớn nhưng hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả’.
Hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có khoảng 2 triệu 700 ngàn đảng viên được hưởng lương, theo số liệu được báo Quân Đội Nhân Dân đưa ra vào hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng chính phủ nhận nhận định việc nhất thể hóa không chỉ giúp giảm chồng chéo, tiết kiệm tiền thuế của dân mà còn giúp làm rõ trách nhiệm giải trình của các cá nhân.
Một buổi họp Quốc Hội tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016. AFP photo
“Nếu thực hiện được nhất thể hóa một cách xuyên suốt nó cũng có thể giúp nhiều cho chính phủ đỡ khó khăn hơn trong các hoạt động. Trên thực tế hiện nay thì nhiều khi các hoạt động theo quyết định của bên Đảng, bên chính quyền thì có những cái song trùng và bộ máy trở lên lớn hơn rất nhiều. Trong rất nhiều việc thì thực chất đảng là nơi quyết định cao nhất, nhưng việc thực hiện hoặc đưa ra các văn bản pháp quy hoặc ký chính thức trên giấy tờ là chính quyền. Nhiều việc là không rõ được nhiệm vụ của ai. Cái khó nhất trong cải cách hành chính ở Việt Nam là cần làm rõ trách nhiệm giải trình của cá nhân, những người nắm giữ các chức vụ khác nhau, các cơ quan, phải có trách nhiệm giải trình với đất nước, người dân về việc mình làm, kể cả việc làm đúng, đặc biệt là việc làm sai. Biết bao nhiêu việc sai phạm không kết luận được vào ai hết cả, kể cả việc tham nhũng cũng vậy. Vì vậy rất khó trừng phạt được những người tham nhũng thực sự và làm bộ máy trong sạch hơn. Nếu các cơ quan được đơn giản hóa như vậy thì nhiệm vụ giữa 3 nhánh quyền lực cũng có thể được xác định lại rõ hơn. Hiện nay thì cả 3 nhánh quyền đều chịu sự lãnh đạo của một đảng, nhiều khi không phân định được rõ trách nhiệm giữa kập pháp, hành pháp, tư pháp. Nếu cả ba nhánh quyền lực mà không hoạt động độc lập hơn và có kiểm soát lẫn nhau, giám sát lẫn nhau thì nó sẽ có rất nhiều trở ngại, nhưng tôi nghĩ khó nhất sẽ là chính phủ.”
Cải cách thận trọng
Đề cập đến lo ngại cho rằng việc nhất thể hóa chức danh của đảng và chính quyền sẽ khiến đảng nắm quyền kiểm soát quá nhiều, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định:
“Cái này chưa thể nói là có thâu tóm quá nhiều quyền lực hay không vì bây giờ sự chồng chéo quá nhiều. Công tác cán bộ chẳng hạn, ban tổ chức ở quận huyện, thành phố hay sở nội vụ chẳng hạn thì việc đó làm cho chồng tréo và làm số cán bộ rất đông. Giờ họ phải nhất thể hóa vào. Sát nhập hay không thì đảng vẫn nắm. Trong thể chế chế hiện nay thì đảng lãnh đạo toàn diện thì đảng vẫn nắm. Khi nhất thể hóa vào thì chắc chắn họ vẫn nắm nhưng bộ phận đó có thể ví dụ do chính phủ điều hành chẳng hạn. Ví dụ trước kia ban tổ chức cán bộ bây giờ nó gộp với sở nội vụ chẳng hạn hoặc dưới cấp huyện cũng tương tự như thế. Đấy là tôi lấy ví dụ như thế. ở đây không có chuyện đảng nắm nhiều hơn hay ít hơn vì đảng luôn luôn nắm nhiều và luôn nắm tuyệt đối ở chế độ này rồi nên không phải bàn cãi nữa.”
Người ta không thể thay đổi một cách đột ngột và quyết liệt được. Cái này nó đụng chạm vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề về sự tồn vong của chế độ.
- Tiến sĩ Phạm Quý Thọ
Việc nhất thể hóa đã được nói đến từ trước Đại hội đảng 12 vào năm ngoái. Sau đại hội, đã có những dấu hiệu của nhất thể hóa giữa đảng và chính quyền như việc Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn được Bộ Chính trị điều động kiêm chức Vụ phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương.
Tại hội nghị trực tuyến của Ban Tổ chức Trung Ương hôm 4 tháng 3, đã có ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh ở một số địa phương.
Theo Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, việc nhất thể hóa dù cần thiết nhưng cũng phải làm thận trọng:
“Người ta không thể thay đổi một cách đột ngột và quyết liệt được. Cái này nó đụng chạm vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề về sự tồn vong của chế độ. Cho nên người ta phải đi từng bước một, làm thí điểm ở một số nơi.”
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho rằng việc nhất thể hóa các chức danh có thể đụng chạm đến quyền lợi của một số những vị trí nhất định trong các cơ quan đảng và chính quyền.
Việt Hà
(RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét