Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015
“Con cừu đen”: Nếu tất cả là kẻ trộm, bạn là ai?
“Con cừu đen”: Nếu tất cả là kẻ trộm, bạn là ai?
Khởi Minh
(VNTB) - “Chính phủ là một tổ chức tội phạm chuyên ăn trộm của nhân dân, và nhân dân chỉ chăm lo ăn trộm của chính phủ. Do đó, cuộc sống rất thoải mái, chẳng có ai giàu và chẳng có ai nghèo”.
Truyện ngắn“Con cừu đen” được nhà văn hậu hiện đại người Ý Italo Calvino viết vào ngày 30/07/1944, lúc ông 21 tuổi. Câu chuyện có thể tóm tắt như sau: Ở một xứ nọ, mọi người đều là kẻ trộm. Họ vui vẻ sống với nhau mà chẳng ai thiệt thòi gì bởi kẻ này ăn trộm của kẻ khác, kẻ khác lại ăn trộm của kẻ khác nữa, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi kẻ cuối cùng ăn trộm của kẻ đầu tiên. Không ai nghèo đi, không ai giàu thêm. Cuộc sống thật hạnh phúc. Một ngày, một người đàn ông trong sạch đến xứ ấy. Anh ta không trộm của ai nên chẳng mấy chốc anh trở nên nghèo đói bởi liên tục bị trộm trong khi một số kẻ khác giàu lên vì trộm được của anh. Vì giàu, họ không cần đi ăn trộm nữa mà... thuê người ăn trộm giúp mình và lại càng giàu thêm nữa trong khi những người khác nghèo đi. Vì quá giàu, họ... thuê người canh giữ tài sản cho mình và lại càng giàu thêm, lại càng có nhiều người nghèo thêm. Con người trong sạch duy nhất chính là con người lúc đầu ấy, nhưng anh ta đã chết từ sớm, vì đói. [1]
Nếu chẳng may bạn phải sống ở một xứ sở lạ lùng- nơi mọi người đều là kẻ trộm thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tham gia vào hệ thống giống như mọi người hay là khẳng khái nói rằng: “Có khá nhiều người rất bẩn thỉu, nhưng tôi là một người trong sạch. Có khá nhiều người đã uống say, duy có tôi là vẫn tỉnh táo…”, để rồi chết như Khuất Nguyên nhằm giữ gìn sự trong sạch của mình?
Thực tế thì rất nhiều kẻ trộm đang ở trong tù vì tội trộm cắp, rất nhiều người được gọi là kẻ trộm với nghề nghiệp đặc thù của mình nhưng vẫn sống bên ngoài vòng pháp luật, nhưng phần lớn chúng ta đều nghĩ mình trong sạch như Khuất Nguyên. Bởi vì mọi người thường có xu hướng hiểu trộm cắp là hành vi phạm tội khi một người hoặc một nhóm người lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái pháp luật, đối tượng tác động có thể là tiền, dịch vụ, thông tin..., mà không có sự cho phép của chủ tài sản(theo Điều 138, Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999, điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự 2004).
Tuy nhiên, trộm cắp nên được nhìn nhận theo nghĩa rộng hơn là tước đoạt quyền sở hữu chính đáng của món đồ, lấy đi những thứ vốn không thuộc về mình. Nạn trộm cắp nhìn theo hướng rộng này đáng sợ hơn vì nó đang xảy ra ở nhiều nơi, nhiều người là thủ phạm nhưng hài hước là tất cả đều mắc chung một căn bệnh là “trừ mình ra”.
Quan trộm kiểu quan
Những người có chức có quyền dễ dàng chiếm đoạt những thứ không phải của họ hơn số đông dân thường còn lại và hành vi của họ thường được gọi là tham nhũng. Bởi tham nhũng, bản chất chính là ăn trộm, ăn cắp.
Có những vụ “trộm cắp nhỏ, vặt vãnh”để ăn cắp tiền và thời gian. Thủ phạm của những vụ trộm này bắt buộc phải là quan chức, có kỹ năng trộm cắp bằng việc sách nhiễu, cố ý gây phiền hà cho người dân mục đích là buộc người dân muốn được việc thì phải móc tiền trong túi ra một cách tự nguyện. Thủ đoạn của kiểu tham nhũng- ăn cắp này là cố ý làm phức tạp hóa những việc đơn giản để ăn cắp.
Có những vụ trộm cắp lớn trong những giao dịch tìm kiếm việc làm, thuyên chuyển, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Những giao dịch, thỏa thuận mua chức bán quyền này thường đi kèm tác nhân môi giới, trung gian, tạo ra luật chơi bất thành văn và hình thành những quy định ngầm được điều tiết bằng quan hệ và tiền tệ. Nó tạo ra cách hành xử theo kiểu tạm ứng trước, thu hồi sau, trộm cắp đẻ ra trộm cắp.
Có vụ trộm cực lớn kết hợp theo nhóm, gọi là lợi ích nhóm. Đây là dạng trộm cắp có tổ chức, có chủ mưu và được bao che bởi hệ thống, cơ chế chính trị - xã hội. Loại tham nhũng này thường xảy ra ở các hoạt động dự án, đấu thầu, các hợp đồng kinh tế, đất đai, tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, mở mang khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế. Đất đai và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, kinh doanh bất động sản chỉ là một trong những trường hợp, những tình huống nổi bật trong vô số nhiều những trường hợp, những tình huống trộm cắp tai tiếng hiện nay.
Dân trộm kiểu dân …Dân không thể “trộm cắp lớn” như quan, vì không có nhiều cơ hội, do thiếu vị trí chức quyền trong xã hội. Nhưng những “tấm gương sáng” của quan khiến dân yên tâm “trộm cắp bé”. Những vụ trộm cắp bé tưởng như vô thưởng vô phạt đã tràn lan đến mức đáng báo động.
Ở nhiều nơi, người dân dùng đủ mọi cách để chiếm dụng tài sản công bằng đủ mọi hình thức và phương tiện, bất chấp đến pháp luật cũng như hậu quả tai hại cho xã hội và thế hệ tương lai. Nhỏ thì là xả rác bừa bãi, ăn cắp nơi công cộng, phá các công trình công, nặng thì lấn chiếm vỉa hè để bán hàng rong… Đáng báo động hơn cả là sự tham gia nhiệt tình của “dân đen” trong nạn chiếm đất công hay phá rừng, khai thác khoáng sản lậu, chiêu trò để mua tài sản công với giá rẻ, đút lót phong bì để có đặc quyền đặc lợi cho mình và gia đình và dòng họ mình…
Chưa kể, những vụ ăn cắp dưới dạng kiếm lợi bất chính. Phun thuốc kích thích vào rau quả, dùng tăng trọng trong chăn nuôi, bơm nước vào thịt để tăng cân, dùng hóa chất độc hại bảo quản thực phẩm, pha cồn thành rượu, chế biến thịt thối thành thịt tươi, đầu độc lẫn nhau. Tất cả những hành vi đó không phải trộm cắpcắp tiền bạc và sức khỏe của đồng bào thì là gì?
Quan tham, dân gian và hệ lụyCó thể nói, nạn trộm cắp, gian dối trong xã hội đã mức báo động. Vì lòng tham, nhiều người đang sẵn sàng làm những việc trái với đạo lý, lương tâm, pháp luật. Quan trộm của dân, dân trộm của quan, dân trộm của chính dân. Một khi tất cả nhúng chàm thì xã hội không còn kỷ cương, dân và quan đều khinh nhờn pháp luật. Và rồi trong một vòng xoáy khi mỗi người vừa là nạn nhân của những kẻ trộm khác, nhưng cũng chính là thủ phạm của vô số vụ việc bất minh, chúng ta vẫn an nhiên sống hạnh phúc và quên hẳn đi hiểm họa nhãn tiền trong tương lai.
Hãy chậm rãi nhìn lại xung quanh. Cái xứ xở lạ lùng chỉ toàn người ăn trộm có vẻ chẳng ở đâu xa, chỉ có câu hỏi xã hội ấy rồi sẽ đi về đâu là không dễ trả lời. Liệu có phải chỉ có một con người trong sạch duy nhất chết, còn xã hội ăn cắp thành hệ thống vẫn hạnh phúc trường tồn cùng thời gian ?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét