Pháp Luật & Thời đại
Từ vụ Hồ Duy Hải, làm gì để hạn chế oan sai?
"Mặc dù luật quy định thẩm phán độc lập xét xử nhưng nhiều thẩm phán đã xé rào xin ý kiến duyệt án của lãnh đạo toà cùng cấp hoặc toà cấp trên. Chính vì vậy, cấp trên đã chuẩn thuận bản án cho cấp dưới nên dù có xin phúc thẩm hay khiếu nại giám đốc thẩm vẫn y án ban đầu. Với cơ chế này, thẩm phán luôn bảo đảm an toàn dù bản án có sai sót đến mấy vì đã được cấp trên “bảo kê”."
Sự kiện bị án Hồ Duy Hải được tạm hoãn thi hành án tử hình vào thời khắc sát nút với giờ tiêm thuốc độc là chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Thời hạn 30 ngày để rà soát lại hồ sơ vụ án sắp kết thúc, số phận Hải vẫn đang treo lơ lửng giữa hai khả năng. Hoặc sẽ được tiếp tục xét xử giám đốc thẩm, hoặc bản án phúc thẩm sẽ được thi hành.
Trách nhiệm và quyền hạn quyết định có giám đốc thẩm hay không là Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, tuy nhiên người nhận chịu hệ quả của quyết định này sẽ không riêng Hải, mà là cả nền tư pháp và công dân Việt Nam.
“Bệnh thành tích” phá án nhanh?
Điểm chung nhất của các vụ án này như sau: Bị cáo bị cơ quan điều tra ép, bức cung; các quy định tố tụng bị vi phạm; những lời phản cung, kêu oan tại toà của bị cáo, các bằng chứng, luận cứ gỡ tội của Luật sư không được xem xét, tranh luận; những đơn thư kêu oan của bị cáo và gia đình kéo dài trong nhiều năm đều bị chính những cơ quan truy tố, xét xử trả lời một cách chung chung là đã cáo buộc tuyên án đúng người đúng tội.
Việc Hải được hoãn thi hành án có phần từ những bức xúc, tác động ngoài cơ chế luật pháp tố tụng hiện hành và cũng không phải là việc tự phát hiện, xử lý của cơ quan tố tụng.
Nguyên nhân các cán bộ điều tra bức cung bị cáo được nhiều người giải thích là do bệnh thành tích muốn phá án nhanh, nhưng nhiều người giải thích là do luật pháp chưa ghi nhận và đảm bảo quyền im lặng của bị can, bị cáo. Luật tố tụng chưa có cơ chế để bảo đảm cho luật sư có mặt khi lấy cung nên cán bộ điều tra dễ lạm quyền. Quyền im lặng của bị cáo không phải là điều xa lạ mà là quy định phổ biến của nhiều nước trên thế giới, nó không chỉ bảo đảm cho bị can không bị ép cung, bức cung mà cũng chính là thách thức để cán bộ điều tra phải nâng cao nghiệp vụ, tôn trọng pháp luật. Để hạn chế oan sai, trước hết cần phải đưa quy định này vào luật và đảm bảo thực hiện một cách thực chất. Tránh tình trạng đối phó như đưa cựu Trưởng phòng cảnh sát điều tra làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải.
Một vấn đề nữa, có ý kiến cho rằng, hiện nay ngành công an vừa quản lý trại giam lại vừa làm công tác điều tra nên quyền lực với bị cáo, bị can quá lớn, dễ phát sinh dùng quyền lực quản lý để rúng ép bị can. Giải thích về chuyện tra tấn, nhục hình bị can, nhiều người cho rằng không chỉ đòn roi mới là tra tấn. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt quá tồi tệ cũng là hình thức tra tấn rất kính đáo mà khó tìm ra dấu vết, chứng cứ. Nếu cán bộ điều tra có quyền quyết định hoặc tác động đến việc quản lý ăn ở của phạm nhân, cũng dễ phát sinh sự làm quyền, trấn áp phạm nhân bằng các điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt nếu không ngoan ngoãn khai đúng theo ý đồ của họ.
Vì sao án bỏ túi?
Theo quy định tố tụng, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải hoạt động độc lập. Thế nhưng cơ chế họp liên ngành: công an, kiểm sát, toà án để thống nhất nội dung và hướng xét xử của từng vụ án dù không được pháp luật công nhận vẫn đang tồn tại phổ biến. Với cơ chế này thì việc xét xử công khai tại phiên toà chỉ là hình thức vì bản án đã có trước, đã được dự liệu trong phiên họp liên ngành trước đó thường gọi là “án bỏ túi”. Lời bào chữa của luật sư, lời khai trước toà dù có hợp tình hợp lý đến đâu vẫn vô ích, toà không ghi nhận hoặc chỉ ghi vào bản án cho có lệ và phủ nhận bằng kết luật chung chung không cần tranh luận.
Điển hình là trong 2 phiên toà sơ phúc thẩm xử Hồ Duy Hải, Luật sư đã đưa ra 43 điểm vi phạm tố tụng và buộc tội mâu thuẫn, thiếu chứng cứ nhưng bản án chỉ kết luận bằng 1 câu “tuy có vi phạm tố tụng nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng”… Không riêng bản án này mà có rất nhiều bản án khác cũng có tình trạng tương tự. Với lập luận này, chính toà án, bản án đã phạm luật vì các quy định tố tụng là lằn ranh không thể vượt qua, những điều không thể vi phạm, đã vi phạm thì phải huỷ bỏ chứ không thể nói vi phạm ít hay nhiều nghiêm trọng hay không.
Mặc dù luật quy định thẩm phán độc lập xét xử nhưng nhiều thẩm phán đã xé rào xin ý kiến duyệt án của lãnh đạo toà cùng cấp hoặc toà cấp trên. Chính vì vậy, cấp trên đã chuẩn thuận bản án cho cấp dưới nên dù có xin phúc thẩm hay khiếu nại giám đốc thẩm vẫn y án ban đầu. Với cơ chế này, thẩm phán luôn bảo đảm an toàn dù bản án có sai sót đến mấy vì đã được cấp trên “bảo kê”. Để giải quyết mâu thuẫn này nhiều ý kiến đã đề xuất lập toà phá án là 1 toà độc lập, chuyên xét xử các vụ án còn bị khiếu nại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét