Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Án oan sai đã đạt đến giới hạn tàn bạo.


Án oan sai đã đạt đến giới hạn tàn bạo.
Thiên Điểu



(VNTB) - Dư luận đồn đoán, nghi ngờ việc dàn dựng chứng cớ, lấy người vô tội thế thân cho thủ phạm vì một lý do nào đó không phải là không có lý do.

Từ oan sai chính trị…
Những ngày từ giữa tới cuối năm 2014, truyền thông Việt Nam rúng động với hàng loạt vụ án oan sai và các phản ứng gay gắt từ truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội.
Từ những vụ án mang hơi hướng chính trị liên quan các bloger, những người hoạt động xã hội, những người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng tới các vụ án hình sự…, bất cứ mảng nào cũng thấy có những bất hợp lý, oan sai và sự cẩu thả của hệ thống hành pháp.

Liên quan đến các vụ án chính trị, khởi đầu từ vụ phóng thích Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trước thời hạn “cho đi Mỹ chữa bệnh vì lý do nhân đạo”. Nổi lên ở đây là vấn đề người được thả chính là người đã dũng cảm đứng lên tố cáo đương kim Thủ tướng chính phủ. Ông Vũ bị kết án hơn 7 năm tù giam, vụ khiếu kiện của ông không được bất cứ cơ quan hành pháp nào xem xét, xử lý theo đúng những trình tự pháp luật đã được quy định trong Hiến pháp và Luật pháp hiện hành. Sau khi cùng vợ qua Mỹ, ông Vũ chỉ cần một đợt kiểm tra sức khỏe thông thường và hiện đi làm tại một tổ chức luật, khiến cho lý do “chữa bệnh” mà nhà nước đưa ra không còn bất cứ cơ sở nào che giấu việc tha tù chỉ vì sức ép chính trị.
Tuy nhiên, dấu ấn để lại qua việc này chính là: Việc bỏ tù ông Cù Huy Hà Vũ có đúng luật hay không? Tại sao có án tù đối với ông?
Kế tiếp là trường hợp hai sinh viên biểu thị tinh thần chống Trung Quốc là Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Thị Phương Uyên. Phiên phúc thẩm với kết quả thả tại tòa cho Phương Uyên và giảm án cho Nguyên Kha. Không đình đám như một số người hoạt động xã hội khác, sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên đã để lại lời tố cáo đanh thép, công khai tại tòa: ‘’Tôi chống Đảng cộng sản không có nghĩa là chống nhà nước!’’. Hội đồng xét xử và cả bên công tố đã không thể biện luận được  trước câu phản bác đanh thép này. Từ đó đặt ra câu hỏi: Tội danh cáo buộc “chống phá nhà nước” trước đây để bắt, bỏ tù các sinh viên này đúng hay sai?
Đỉnh điểm của mảng án chính trị cũng là một vụ tha tù nhưng lại công khai trục xuất qua Mỹ, đó là trường hợp bloger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày). Ông Hải vốn là người nổi tiếng có tinh thần dân tộc, chủ yếu các hoạt động của ông là chống lại những ý đồ xâm lược, các mối nguy hiểm đến từ Trung Quốc. Bản thân ông từng là một người lính. Tinh thần và bản lĩnh của ông từng là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng cả trong và ngoài nước. Ông bị kết án liên quan tới hai vụ án riêng biệt là “lợi dụng tuyền truyền chống phá nhà nước” và “trốn thuế”. Vụ án trốn thuế liên quan bởi việc cho thuê một căn nhà do gia đình ông sở hữu với nhiều tình tiết không mấy thuyết phục. Được cho là cố tình dựng án để ngăn chặn các hoạt động của ông. Cứ cho là việc buộc tội “trốn thuế” là có cơ sở, hợp lý đi chăng nữa thì nó cũng không tương thích với mức án mà ông phải chịu nếu so sánh với hàng vạn quan chức tham nhũng hiện đang sở hữu vô số căn nhà cho thuê trên khắp đất nước này.
Câu tuyên bố của Nguyễn Văn Hải: “Tôi sẽ đấu tranh cho ngày trở về” không chỉ bộc lộ một cách nhìn mang tính cá nhân ông mà còn  đặt ra cái khía cạnh bất công từ án tù mà ông gánh chịu, cũng như việc ông bị ném ra khỏi đất nước chỉ vì mong muốn một đất nước dân chủ, độc lập, tốt đẹp hơn.
Một ví dụ bất cập đối với mảng vụ án nửa chính trị, nửa hình sự gây tranh cãi không kém là phiên tòa xét xử Bùi Thị Minh Hằng và hai người khác với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng, gây cản trở giao thông và chống người thi hành công vụ”. Vụ án bị cộng đồng mạng xã hội mỉa mai là “vụ án 2 người đi hàng 3”. Chỉ cần nhìn vào việc chính quyền ra tay bắt bớ bất cứ ai, kể cả nhân chứng của bị cáo nhằm ngăn chặn những người có ý định đến tham dự phiên tòa công khai này qua cả hai lần sơ thẩm và phúc thẩm cho thấy: Không thể hiện tính tuân thủ luật pháp; phương cách hành xử của chính quyền hoàn toàn áp đặt, bất chấp nguyên tắc lẫn luật pháp để xét xử theo chủ ý riêng, liên quan mục tiêu mà chế độ mong muốn.

… đến bi kịch xã hội
Một số vụ án hình sự thuần túy khác cũng gây sóng gió trên truyền thông không kém phần “sốc”.
Ở mảng này, có thể kể đến đầu tiên là vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Ông Vươn đã phải chọn biện pháp tiêu cực là dùng chất nổ chống lại một vụ cưỡng chế mà sau này chính chính quyền phải thừa nhận là sai. Thế nhưng ông Vươn và người thân của ông vẫn bị kết án tù, tòa án không hề xem xét đến khía cạnh “tự vệ chính đáng” trước hiện thực tài sản gia đình ông bị xâm hại trái pháp luật. Loại quyền lợi được quy định ngay chính trong Hiến pháp hiện hành và ở bất cứ hệ thống luật pháp nào trên thế giới.
Vụ án oan sai đối vối ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được xác định sau 10 năm ngồi tù vì tội giết người, sau đó chỉ được bồi thường mấy trăm triệu.
Kém may mắn hơn ông Chấn, Hồ Duy Hải ở Long An và Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương đang phải đối mặt thời khắc thi hành án mặc dù liên tục kêu oan suốt mấy năm ròng. Cả hai vụ án tử này, hồ sơ vụ án và hàng loạt các chi tiết thể hiện việc kết tội hoàn toàn có khả năng là oan sai. Các sai phạm xuất hiện ngay ở trong hồ sơ điều tra nhưng vẫn không được tòa án xem xét qua cả mấy cấp xét xử. Tang vật vụ án mua ở chợ, kết quả giám định không khớp, lời khai của nhân chứng bị cắt ghép, suy diễn.. – vụ án Hồ Duy Hải. Yếu tố ngoại phạm có nhiều người làm chứng, diễn biến thực nghiệm hiện trường vụ án bất hợp lý.. – Vụ Nguyễn Văn Chưởng – và một điểm chung là các tử tù đều tố cáo bị ép cung, đe dọa, đánh đập…

Khi xã hội vô cảm, luật pháp trở nên tàn bạo
Liên quan hai vụ án xử tử điển hình đang kêu oan này, truyền thông xã hội đang dấy lên thông tin các nghi phạm bị kết án thực chất là vật thế thân cho thủ phạm chính thức, vốn là con cháu liên quan các quan chức cấp cao của chính quyền. Việc xác định thông tin này chính xác tới đâu chưa biết, nhưng thông tin chính thức từ các quan chức liên quan cho thấy rõ ràng có ý đồ ngăn chặn truyền thông. Quyết tâm xử tử bất chấp tiếng kêu oan và các tình tiết nghi vấn chưa được làm rõ đang ngày càng được nhiều người dân quan tâm, ủng hộ và kêu gọi phải làm sáng tỏ.
Liên quan vụ án Nguyễn Văn Chưởng, bản tin trên báo tuoitreonline: "Ngày 23-12, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - giám đốc Công an TP Hải Phòng - đề nghị không đăng bài trao đổi giữa ông với PV Tuổi Trẻ về vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan".
Ông Đỗ Hữu Ca, một Đại tá mới lên tướng sau vụ cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã nói ở trên. Nổi tiếng ở phát ngôn ví von vụ cưỡng chế là “một trận đánh đẹp, phối hợp tuyệt vời giữa các lực lượng...” khi lực lượng cưỡng chế hùng hậu tiến vào giải tỏa đầm tôm của một hộ gia đình nông dân(!). Lý do nào khiến ông Ca yêu cầu báo Tuổi Trẻ ngưng đưa tin về một vụ án đang  kêu oan? Nếu vì đã khẳng định ‘”có tội’ như nhiều phát ngôn khác của quan chức hành pháp Hải Dương thì giải thích sao về việc nhiều nhân chứng xác nhận Nguyễn Văn Chưởng có mặt ở nơi cách xa hiện trường vụ án 40km ngay thời điểm xảy ra vụ án?
Nghiêm trị tội phạm là điều đương nhiên để giữ gìn ổn định an ninh xã hội. Nhưng việc kết tội phải có căn cứ rõ ràng, minh bạch chứ không thể dựa trên những suy diễn hay chứng cớ giàn dựng, bức cung bằng nhục hình.
Hàng loạt các vụ án oan sai trên khắp cả nước bị phanh phui, hàng loạt các vụ án được kết tội dựa trên những thiệt hại mơ hồ, chủ thể bị xâm hại không xác minh  được... cho thấy vấn nạn lạm dụng quyền lực, vô cảm trước thiệt hại và sinh mạng của người dân xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ cấp độ quyền lực nào. Dư luận đồn đoán, nghi ngờ việc dàn dựng chứng cớ, lấy người vô tội thế thân cho thủ phạm vì một lý do nào đó không phải là không có lý do.
Với cấu trúc quản lý độc tôn, tự do đá cả hai sân như cấu  trúc quyền lực vừa lập pháp vừa hành pháp của chế độ Việt Nam hiện nay, sự thiếu vắng một cơ chế giám sát hành pháp độc lập và các cách thực thi luật pháp nhưng bóp nghẹt các chức năng của luật sư, triệt tiêu các quyền và cơ hội chứng minh vô tội của bị can, bị cáo… không chỉ thể hiện cái bất công của chế độ mà còn là minh chứng bất công ấy đã đạt đến sự tàn bạo không có giới hạn.

Một chế độ mà luật pháp bất công bởi sự áp dụng bừa bãi, bất chấp đạo lý đến tàn bạo thì chế độ ấy không thể tồn tại lâu dài. Không có bất cứ biện minh nào cho thấy sự chính danh và tính nhân đạo của lực lượng cầm quyền trong một chế độ như vậy cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét