Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Thực phẩm biến đổi gen có hại không.


Thực phẩm biến đổi gene có vô hại không ?


Thực phẩm biến đổi gen có vô hại không?

(PetroTimes) - Một tạp chí khoa học của Nhật Bản vừa cho biết Việt Nam cho phép nhập khẩu các giống cây trồng biến đổi gen. Trong đó nêu rõ: Trong khi vẫn có quốc gia phản đối kịch liệt những giống biến đổi gen, đặc biệt là cây lương thực thì Việt Nam lại cho phép nhập khẩu giống cây biến đổi gen. Phải chăng Việt Nam đang tự tước bỏ vị thế là một nước sản xuất sản phẩm không biến đổi gen?


Năng lượng Mới số 381
Chuột vô sinh vì ăn ngô biến đổi gen



Khắp Thế giới biểu tình phản đối GMO


Tháng 8 vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cho phép nhập khẩu 4 giống ngô biến đổi gen là MON 89034, NK603 (của Công ty Monsanto), GA 21 và MIR 162 (của Công ty Syngenta, Thụy Sĩ). Đây chính là những sản phẩm mà người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới phản đối sử dụng trong trồng trọt cũng như phản đối sử dụng nông sản có nguồn gốc đó để chế biến thực phẩm cho con người hay thức ăn cho gia súc. Như Trung Quốc, năm ngoái đã cấm nhập khẩu gần 900 nghìn tấn ngô Mỹ vì có ngô biến đổi gen MIR 162 của Công ty Syngenta mà nước ta vừa cho phép nhập khẩu. Hay châu Âu cũng đã buộc toàn bộ ngành công nghiệp thực phẩm phải tránh xa thực phẩm biến đổi gen và cấm 99% ngô nhập khẩu từ Mỹ khi chỉ có 25% ngô của Mỹ là giống biến đổi gen.

Bí ngô biến đổi gen

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói: “Việc dán nhãn sản phẩm cây trồng biến đổi gen sẽ thực hiện từng bước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý để trên cơ sở đó tổ chức thực hiện.
Hiện nay đang thực hiện theo kế hoạch dự kiến, trong năm nay sẽ ra thông tư hướng dẫn việc dán nhãn sản phẩm cây trồng biến đổi gen”.

Vì sao những giống cây trồng biến đổi gen lại bị phản đối dữ dội ở nhiều quốc gia như vậy? Theo các nhà khoa học hiện đang có 2 luồng ý kiến. Luồng thứ nhất với sự ủng hộ nhiệt tình cho rằng giống cây trồng biến đổi gen là thành tựu rực rỡ của các nhà nông nghiệp khi tạo ra hạt giống có khả năng chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu bệnh và sản lượng tăng gấp đôi so với truyền thống dẫn đến bảo đảm an ninh lương thực, nhất là trong hoàn cảnh dân số thế giới đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Luồng ý kiến thứ 2 lại trái chiều tuyệt đối vì chứng minh nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và giống nòi cùng với chất lượng đất trồng, môi trường do thuốc diệt cỏ dành riêng cho loại giống biến đổi gen. Cũng phải nói thêm ở đây, Công ty Monsanto cung cấp giống ngô biến đổi gen MON 89034, NK 603 và thuốc diệt cỏ dành cho các loại giống cây này chính là hãng sản xuất chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam làm 4,8 triệu người đang bị phơi nhiễm trực tiếp.
Còn TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nói: “Cách đây nhiều năm, tôi có tham gia một hội nghị về giống cây trồng biến đổi gen ở Pháp, có một nhà khoa học đã dẫn chứng một báo cáo khoa học thế giới về việc họ đã thí nghiệm trên chuột. Khi cho chuột ăn bắp ngô biến đổi gen thì sau một thế hệ, con chuột mọc lông trong cổ họng; Sau 2-3 thế hệ thì ngừng sinh sản (vô sinh)”.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhận định, do giống biến đổi gen vô sinh nên việc trồng các loại cây này sẽ phụ thuộc vào các công ty cung cấp hạt giống nước ngoài sẽ rất khó khăn cho nông dân. Chưa kể đến các loại giống biến đổi gen rất đắt, gấp 2-3 lần so với hạt giống thường. Ngoài ra lại còn phải mua loại thuốc diệt cỏ thay vì thuốc trừ sâu.
GS Võ Tòng Xuân phân tích: “Đâu chỉ có giống biến đổi gen mới cho năng suất cao. Giống ngô lai của ta năng suất tới tận 8 tấn/ha, bằng đúng giống biến đổi gen. Tuy nhiên, trồng ngô lai thì nông dân phải mất thời gian làm cỏ trong khi giống biến đổi gen không phải làm việc này. Nhưng thay vào đó phải sử dụng thuốc diệt cỏ đặc thù. Do đó, nếu tính toán thiệt - hơn chưa chắc trồng ngô biến đổi gen giá thành đã rẻ hơn, thậm chí đắt hơn nhập khẩu. Bởi vậy nên chăng chúng ta chỉ nhập khẩu sản phẩm chứ không cho trồng đại trà. Trong quá trình ấy, chúng ta tập trung nghiên cứu lai tạo giống, tự phát triển những giống cây trồng có năng suất cao”.
Phải công khai minh bạch
Thực ra, người dân đã sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen lâu nay. Ông Phạm Đức Bình, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi khẳng định: Ta đang phải nhập khẩu 100% đậu nành, 60% ngô bắp. Trong đó 90% sản lượng các mặt hàng đó là giống biến đổi gen chủ yếu nhập từ Mỹ, Canada, Brazil, Argentina… và con người cũng đã sử dụng thực phẩm biến đổi gen dưới hình thức trực tiếp và gián tiếp. Chẳng hạn, đối với đậu nành, với hàng triệu tấn mỗi năm, sau khi ép thành dầu ăn bán cho người tiêu dùng, bã được sử dụng để chăn nuôi rồi lại lấy thịt đó phục vụ cho bữa ăn của người dân.
Hay như sữa đậu nành, nước tương, đậu phụ… đều được sản xuất từ giống đậu nành biến đổi gen nhập khẩu. Rồi thịt bò, gà nhập khẩu từ Mỹ, Australia, Argentina… đang bán rộng rãi trên thị trường Việt Nam đều sử dụng thức ăn chăn nuôi chế biến từ đậu nành, ngô biến đổi gen.

Su hào biến đổi gen
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi còn cho hay, cách đây 2 năm, khảo sát và lấy mẫu kiểm nghiệm ở các chợ, siêu thị tại TP Hồ Chí Minh những mặt hàng: cà chua, khoai tây, đậu nành, gạo… thì cho thấy có đến 1/3 số sản phẩm gồm ngô, đậu nành, bột ngô, khoai tây… đều xuất phát từ giống biến đổi gen. Tuy nhiên, có một điều đáng nói là người dân không hề biết và cũng chưa ý thức rõ ràng về những sản phẩm biến đổi gen.
Như vậy chúng ta sẽ sử dụng như thế nào những thực phẩm có nguồn gốc từ giống biến đổi gen cũng như có trồng phổ biến giống biến đổi gen?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát cho rằng: “Ở ta, có nhiều người phản đối trồng cây biến đổi gen nên phải làm rất khoa học, bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế, từng bước thực hiện để trên cơ sở đó xem xét những giống cây được “cấy” biến đổi gen có trồng đại trà ở Việt Nam hay không”.
TS Võ Mai thì nhận định: “Khi chưa rõ ràng về tác hại của thực phẩm từ cây trồng biến đổi gen thì không nên biến con người thành “chuột bạch” để thí nghiệm. Chỉ nên cho phép nhập khẩu sản phẩm cây trồng biến đổi gen làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Còn với sản phẩm thực phẩm trực tiếp cho con người phải dán nhãn biến đổi gen để họ có quyền lựa chọn.
GS Võ Tòng Xuân thì cụ thể hơn khi khẳng khái: “Quy định quốc tế về dán nhãn biến đổi gen trên thực phẩm, Việt Nam đã thực hiện chậm hơn thế giới. Nhà nước cần phải chỉ đạo doanh nghiệp làm việc này ngay đồng thời thông tin tuyên truyền về thực phẩm biến đổi gen tới người tiêu dùng để họ hiểu rõ. Cho đến nay, rất ít người tiêu dùng biết đến biến đổi gen. Quyền lợi của họ phải được tôn trọng thông qua việc minh bạch thông tin trên báo chí và trên sản phẩm. Kết quả của cuộc tranh cãi khoa học về tác hại - tác dụng của thực phẩm biến đổi gen, người tiêu dùng cũng cần được biết. Cơ quan quản lý sẽ là đơn vị có trách nhiệm ấy đồng thời tạo điều kiện cho người tiêu dùng tự do lựa chọn các sản phẩm theo sở thích và lòng tin của họ”.

Tại Mỹ, tháng 11 vừa qua người dân bang Colorado đã đi bỏ phiếu quyết định việc dán nhãn sản phẩm cây trồng biến đổi gen sau khi hơn 170 người nghìn ký đơn yêu cầu bỏ phiếu về vấn đề này. Nhiều bang khác cũng đã đề xuất quy định dán nhãn bắt buộc trong năm nay.
Nga phạt mức nặng nhất là hơn 4.000USD cho các doanh nghiệp không tuân thủ quy định dán nhãn các sản phẩm cây trồng biến đổi gen. Theo quy định của Nga, các sản phẩm chứa từ 0,9% sản phẩm hữu cơ thuộc giống biến đổi gen trên tổng khối lượng phải ghi chú rõ ràng.
Ấn Độ đã đình chỉ tạm thời việc lưu hành hạt giống biến đổi gen do tác hại kinh tế mà nó gây ra. Hậu quả do truyền thông một chiều, khi chính phủ nước này quá tin tưởng vào các lợi ích của thực phẩm từ giống biến đổi gen mà phớt lờ những tác hại của nó. Nhiều nông dân khó khăn vì mùa màng thất thu và phải mua hạt giống biến đổi gen giá đắt, gây ra khoản nợ chồng chất.


Nguyễn Hưng - Petrotime

Được đăng bởi XUANVN vào lúc 18:06 2 nhận xét:

1 nhận xét: