Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Thư UC châu về tàn sát cây xanh


VNTB - Thư Úc châu về tàn sát cây xanh: “Thủ phạm là chính quyền và chính phủ Việt Nam”








Kính gửi:
Trung Tâm Bảo Vệ Môi Trường Thế Giới (World Environment Center)
Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản và Cảnh Quan Thế Giới UNESCO (UNESCO World Heritage Centre)


Kính thưa quý vị


Tôi tên Quỳnh Đào, tôi là hội viên tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế Úc châu


Tôi xin thông báo đến quý vị và mong mỏi được sự lưu tâm của quý vị về việc chính quyền Hà Nội gần đây đã ra lệnh đốn chặt hàng loạt 6.700 cây xanh tại thành phố mỹ miều xinh đẹp này. Thành phố Hà Nội do chính quyền thực dân Pháp xây dựng, vẻ đẹp cổ kính của những kiến trúc cổ từ thời đó cho đến nay vẫn tồn tại, và được sự ngưỡng mộ của toàn thế giới như là một trong những thành phố đáng yêu nhất.


Có lẽ quý vị cũng đã hay biết về sự nổi giận đồng loạt của người dân Hà Nội nói riêng, và người dân Việt nói chung về chương trình tàn phá môi trường kinh khủng này, do vậy mà chính quyền sở tại đã phải tạm hoãn việc đốn cây. Cộng đồng thế giới cũng bày tỏ sự quan tâm của họ, tin tức về sự kiện này đã được loan tải nhiều nơi, trong đó có tờ Daily Mail tại Anh, hãng thông tấn quốc tế Reuters, tờ Global Post tại Hoa Kỳ, tờ Bangkok Post tại Thái Lan, tờ Sun Daily tại Mã Lai v.v...


Những nhà bình luận độc lập tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, chính quyền đã lừa dối dân khi nói rằng đây là chương trình trồng lại cây, thay các cây đã già bằng cây mới cùng giống, nhưng thật sự họ đã trồng lại loại cây thông thường, thay thế cho loại cây sứa đặc biệt quý hiếm hàng trăm tuổi, với tên khoa học là Dalbergia Tonkinensis Prain, mà họ đốn chặt. Những người đứng ra lập chương trình chặt các cây quý này sẽ thâu được rất nhiều tiền, và câu hỏi được đặt ra là ai, những nhóm lợi ích nào sẽ kiếm được mối lợi khủng này từ âm mưu xấu xa và đen tối này của họ, khi số gỗ quý này được đem đi bán.


Tin tức cho biết đã có 2.000 cây bị chặt trong thời gian kỷ lục một tuần (trong khi chương trình chặt cây là một chương trình dài hạn, theo chính sách hoạch định phải được thi hành từng bước một, trong thời gian ba năm từ 2015 đến 2017). Câu hỏi chưa được trả lời là, số gỗ quý từ những cây đã chặt đã được di chuyển đi đâu, ai là người làm công việc di chuyển, số gỗ ấy được dùng vào mục đích gì?


Theo blogger Phạm Viết Đào, mỗi cây sứa già mấy trăm năm tuổi bán ra sẽ thâu được hơn 300 tỷ đồng Việt Nam một cây (tương đương 14 triệu Mỹ kim). Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ rất cao loại gỗ sứa quý hiếm này, họ dùng vào việc trùng tu các di tích văn hoá cổ xưa của họ.


Tuy rằng thời kỳ Việt Nam nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp là một thời kỳ đầy đau thương cho người dân Việt, nhưng mặt khác, nước Pháp đã có công khai hoá mở mang Việt Nam, biến đổi Việt Nam từ xã hội nông nghiệp sang một xã hội văn minh đô thị. Người Pháp đã xây dựng nên nhiều tòa nhà, nhiều cơ sở, nhiều thành phố, với những công trình kiến trúc có giá trị văn hoá và vẻ đẹp trường cửu, bao gồm cả thành phố Hà Nội, với những con đường rợp bóng cây tạo nên nét duyên dáng riêng của thành phố này. Đây không phải chỉ là di sản văn hóa và cảnh quan đặc thù của riêng người Việt, hay của riêng người Pháp, mà là của cả thế giới.


Tôi hy vọng Trung Tâm Bảo Vệ Môi Trường Thế Giới (World Environment Center) và Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản và Cảnh Quan Thế Giới UNESCO (UNESCO World Heritage Centre) sẽ bày tỏ sự quan tâm của quý vị về việc đốn cây hàng loạt như thế này đến chính quyền Hà Nội và chính phủ Việt Nam. Nhiều người Việt gọi đây là một cuộc tàn sát cây hàng loạt. Đây là một hành động tàn phá môi trường và tàn phá di sản văn hoá và cảnh quan thế giới một cách vô trách nhiệm, vô tiền khoáng hậu, mà thủ phạm là chính quyền và chính phủ Việt Nam.


Xin kính chào quý vị.


Quỳnh Đào,

Hội viên tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế Úc châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét