Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014
Oan án Hàn Đức Long: Nghiệp vụ điều tra nhìn từ một vụ án
Oan án Hàn Đức Long: Nghiệp vụ điều tra nhìn từ một vụ án (Bài 3)
Nguyễn Cao
(VNTB) - Luật sư Ngô Ngọc Trai (Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Trai cùng Cộng sự) đã 4 lần gửi công văn “Kêu cứu khẩn cấp vì bị cáo đang sắp bị thi hành án tử hình” đến 4 địa chỉ: Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Luật sư Ngô Ngọc Trai đã chia sẻ câu chuyện cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang từng mang tiếng xấu bởi đã gây ra vụ án oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Cũng chính cơ quan này trước đây từng bị một người khác là Hàn Đức Long tố cáo bức cung nhục hình trong quá trình điều tra vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em xảy ra tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang từ năm 2005.
Luật sư Ngô Ngọc Trai phân tích để thấy rằng ngay trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng đã xác minh lời tố cáo của Hàn Đức Long nhưng rồi đi đến kết luận là việc tố cáo không có cơ sở.
Xác minh bằng cách nào?
Hàn Đức Long khai rằng trong các lần đi hỏi cung đều bị điều tra viên đánh bằng hung khí là gậy lim dài 70cm bản rộng 03 ngón tay (thước thợ xây) và cờ lê, bật lửa đốt râu, bút bi để đập bẻ ngón tay.
Để xác minh sự việc cơ quan tiến hành tố tụng đã hỏi những phạm nhân bị giam giữ cùng phòng với Long và giám thị trại giam xem có việc điều tra viên đánh Long không từ đó cho ra kết luận. Cũng trong quá trình điều tra vụ án, để củng cố qua điểm Long là thủ phạm cơ quan điều tra đã hỏi những người từng giam giữ cùng phòng với Long, và những người này khai rằng đã từng nghe Long nói chuyện thừa nhận hành vi phạm tội.
Những lời khai đó đã được ghi lại trong biên bản lấy lời khai và trở thành chứng cứ để xác minh sự việc và kết tội bị cáo. Trong khi đó thuộc tính quan trọng nhất của chứng cứ là tính khách quan.
Các mẫu biên bản ghi lời khai do Bộ công an ban hành đều có các mục thông tin làm rõ người được lấy lời khai có quan hệ thế nào với bị can, quan hệ thế nào với bị hại, có tư cách gì trong vụ án, đã làm gì ở đâu, sức khỏe và tinh thần có minh mẫn hay không… Để từ đó xác định xem lời khai báo có khách quan và có thể tin cậy không.
Vậy trong việc xác minh Long có bị đánh đập nhục hình không mà lại đi hỏi cán bộ quản lý trại giam là người chịu trách nhiệm bảo vệ tính mạng sức khỏe người bị giam giữ thì có hợp lý không?
Lâu nay dư luận vẫn đồn thổi những người phạm tội hiếp dâm thường bị bạn tù hành hạ đủ đường vì sự khinh tởm đối với loại tội phạm này. Vậy Long có tránh được số phận bị hành hạ ngược đãi không mà khi xác minh Long có bị đánh đập không lại đi tìm chứng cứ từ nguồn đó?
Những hoạt động điều tra như trên cho thấy chất lượng điều tra rất thấp, không thể tin được vào những bằng chứng được thu thập như vậy.
Đâu chỉ mỗi bức cung nhục hình
Những vấn đề tồn tại của cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang cũng chính là vấn đề đặt ra đối với hệ thống cơ quan điều tra cả nước. Và vấn đề tồn tại của hoạt động điều tra liên quan đến chất lượng của hoạt động này không phải chỉ mỗi vấn nạn bức cung nhục hình mà trong hoạt động điều tra còn tồn tại nhiều yếu kém khác nữa.
Đừng đề vấn đề bức cung nhục hình vốn dễ gây phẫn nộ che lấp đi các vấn đề bức thiết khác. Để thấy được điều này chỉ cần khảo sát qua các hoạt động nghiệp vụ điều tra ngay trong vụ án Hàn Đức Long.
Sau gần 4 tháng điều tra không tìm ra thủ phạm, cơ quan điều tra nhận được thư tố giác của hai mẹ con bà cụ người địa phương cùng tố một người ở cùng thôn là Hàn Đức Long đã từng hiếp dâm mình. Cơ quan điều tra bắt giữ Long, Long thú nhận đã hiếp dâm hai mẹ con bà cụ và trong quá trình giam giữ lại thừa nhận mình là thủ phạm trong vụ giết hiếp cháu bé.
Cơ quan điều tra đã lấy lời khai nhiều người và đi đến kết luận chiều hôm xảy ra vụ án, Long đem ngô thóc đi xay xát, trong lúc chờ đợi đến lượt mình Long đã đi sang nhà cháu bé, thấy cháu ở nhà một mình Long bắt bế đưa cháu ra cánh đồng hiếp rồi đẩy cháu ngã xuống mương nước đoạn quay trở lại quán xay xát như không có chuyện gì xảy ra.
Qua các lời khai cơ quan điều tra xác định Long phạm tội trong lúc chờ đợi hai người phụ nữ xay xát thóc, họ đã cho thực nghiệm điều tra xem thời gian hai người phụ nữ xay xát hết bao nhiêu lâu có đủ để Long thực hiện hành vi phạm tội rồi quay trở về không.
Việc thực nghiệm điều tra tưởng chừng như hợp lý nhưng thực chất chứa đựng rất nhiều điều vô lý.
Đã qua thời gian 4 tháng kể từ ngày xảy ra vụ án, chỉ đến khi bắt Long cơ quan điều tra mới lật giở lại điều tra về việc làm của Long hôm đó, họ đã đi thu thập lời khai nhân chứng.
Vậy sau khoảng thời gian 4 tháng liệu những người đi xay xát thóc có nhớ được hôm đó mình đã xát bao nhiêu kg thóc không? Và họ có thể nhớ được hôm đó có những người nào xay xát thóc, nhưng liệu có nhớ nổi thứ tự lần lượt những người xay xát thóc không?
Sau 4 tháng, chủ quán xay xát khai rằng có sự khác nhau về điện áp và động cơ máy giữa hôm xảy ra vụ án và buổi thực nghiệm. Hôm xảy ra vụ án điện lưới yếu nên trong hai động cơ xay thóc và chà gạo phải chạy từng động cơ một. Động cơ máy thì đã cũ hỏng và được thay máy mới dẫn đến tốc độ năng xuất và thời gian xay xát thóc khác nhau.
Với những dữ kiện thông tin sai lệch như thế liệu có còn nên thực nghiệm điều tra không?.
Bất chấp những sự vô lý cơ quan điều tra vẫn tiến hành thực nghiệm việc xay xát thóc để từ đó cho ra kết quả thời gian xay xát của hai người phụ nữ đủ lâu để Long thực hiện hành vi phạm tội và trở về.
Không chỉ thế
Cơ quan điều tra cũng thực nghiệm cho một người ôm một vật nặng tương đương cháu bé di chuyển trên quãng đường gây án đi và về (khoảng 1,7km) xem hết bao nhiêu phút để xem lượng thời gian có phù hợp với thời gian xay xát thóc của hai người phụ nữ không.
Nhưng vấn đề là tốc độ di chuyển trong khi thực nghiệm làm sao đúng khớp với sự di chuyển khi phạm tội? Việc di chuyển khi phạm tội sẽ lúc nhanh lúc chậm bởi hung thủ còn phải quan sát nghe ngóng và tránh người phát hiện. Cháu bé là thực thể sống giẫy đạp đâu có im lìm như đồ vật thực nghiệm.
Như thế tốc độ di chuyển khác nhau thì kết quả phép chia thời gian không thể giống nhau dù cho quãng đường không đổi. Ngoài vấn đề di chuyển còn có giai đoạn bị can hiếp dâm và xuất tinh ra ngoài, khoảng thời gian này thì làm sao tính đếm được bao lâu để có thể tính được tổng thời gian thực hiện hành vi phạm tội là chừng nào.
Bất chấp bao nhiêu sự vô lý không thể chấp nhận, cơ quan điều tra vẫn gò ép tiến hành thực nghiệm điều tra từ đó cho ra kết quả làm căn cứ để định đoạt mạng sống người khác.
Giám định lông tóc, tinh trùng
Cơ quan điều tra thu giữ được ở hiện trường một số lông và tinh dịch nhưng lại không giám định cho ra được kết quả. Về tinh trùng thì kết luận giám định cho rằng lượng dấu vết ít và chất lượng vết kém nên không thu giữ được gen. Về lông thì kết luận lông thu được ở hiện trường là lông người, trong đó chỉ có một sợi có gốc nhưng ít tế bào gốc nên không phân tích được gen.
Nội dung kết luận như vậy đã khiến luật sư rất đau đầu bởi không thể hiểu được một lượng tinh trùng ở mức nào thì mới có thể giám định được kết quả, hoặc lông người cần phải có chân lông hay bao nhiêu sợi lông mới giám định được? Đây là những vật chứng vô cùng quan trọng giúp xác định thủ phạm có phải Long hay không thế mà lại không giám định được. Phải chăng do trang thiết bị máy móc không đủ hiện đại nên gặp khó khăn trong giám định xét nghiệm.
Nếu đây là lý do thì thiết nghĩ cần phải giải quyết ngay lập tức, ngân sách nhà nước phải cấp tiền để trang bị thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ cho việc giám định điều tra.
Vấn đề và giải pháp
Chỉ khảo sát trong một vụ án thôi mà đã bộc lộ ra rất nhiều vấn đề trong hoạt động điều tra, đó là sự yếu kém về đạo đức công vụ và trình độ chuyên môn, có thể cả thiếu thốn về thiết bị vật chất. Cần phải chỉ ra cái đó để cho dư luận thấy được nguyên nhân gây ra oan sai không chỉ là bức cung nhục hình mà còn nhiều nguyên nhân khác nữa.
Trong quá trình bào chữa các vụ án luật sư đều nêu ra các bất cập của hoạt động điều tra, nhưng vấn đề đặt ra lại mang bản chất của một vấn đề vĩ mô nên không thể giải quyết trong phạm vi giải quyết một vụ án. Nhiều trường hợp đứng trước những vô lý ngang trái nhưng người luật sư cũng nản lòng, nói ra mà chẳng hy vọng gì thay đổi được.
“Nay trong bối cảnh hệ thống chính trị đang dành sự quan tâm cho mảng vấn đề tư pháp, Quốc hội đã chọn chuyên mục giám sát cho năm 2015 là tình trạng án oan sai, sâu rộng hơn là chủ trương về cải cách tư pháp. Vậy nên đây là thời điểm thích hợp để nêu ra những vấn đề tồn tại trong hoạt động điều tra để đông đảo biết được và cùng tìm giải pháp tháo gỡ.
Qua đó cũng hy vọng cơ quan điều tra của tỉnh Bắc Giang nói riêng và hệ thống cơ quan điều tra nói chung soát xét lại bản thân mình và có lộ trình nâng cấp cho phù hợp” - Luật sư Ngô Ngọc Trai kỳ vọng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét