Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014
Quốc hội sẽ rà soát vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng
Quốc hội sẽ rà soát vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng
Tử tù Nguyễn Văn Chương đã bị 'đánh đập, tra tấn và ép cung' để buộc nhận tội, theo gia đình.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam nói đã 'nhận hồ sơ' và 'đang xem xét vụ việc' kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, theo truyền thông Việt Nam.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 'đưa vụ án' vào chương trình làm việc tại các tỉnh thành phía Bắc và dự kiến đầu tháng 01/2015 sẽ làm việc tại Hải Phòng để 'rà sóat' vụ án của tử tù này, tờ Tuổi trẻ Online đưa tin hôm 24/12/2014.
Bình luận về khả năng có thể có thay đổi ra sao với bản án tử hình từ động thái này của Quốc hội, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, người có nhiều bài viết trên mạng xã hội theo dõi vụ án Nguyễn Văn Chưởng nói với BBC:
"Cho đến bây giờ ông Ca (Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng) vẫn khăng khăng là đã xử đúng người, đúng tội, thì không biết rằng nếu có sức ép của Quốc hội, nếu Quốc hội có trách nhiệm đọc kỹ về hồ sơ kêu oan của ông Nguyễn Trường Chinh (bố tử tù) và tử tù Nguyễn Văn Chưởng,
"Thì Quốc hội phải có một cái làm việc theo kiểu phải lật đi lật lại thì mới được. Tại sao mà với nhân chứng lại o ép người ta, thậm chí đánh người ta, để người ta khai theo hướng của mình? Sau đó họ day dứt lương tâm họ khai lại, điều đó đã có những đoạn video clip của nhân chứng đã nói lên vấn đề này rồi.
Bây giờ tình hình khác rồi thì những đại biểu Quốc hội làm việc với Hải Phòng là phải làm việc hết sức trách nhiệm, phải lật đi, lật lại để cho Công an Hải phòng không thể trả lời được và phải buộc điều tra lại...
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy
"Họ phải vặn như thế và phải hỏi xem tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nếu như không có chuyện tra tấn, bức cung, thì tại sao ra lại kêu oan và mặt, mình mẩy còn đầy vết thương, mà về phía Tòa, về phía công tố lại lờ đi và xử cho nó xong và lên đến giám đốc thẩm, ông Trương Hòa Bình ký bản án cũng là như vậy, không có gì thay đổi cả."
Ông Nguyễn Tường Thụy lưu ý với đoàn giám sát của Quốc hội về thời kỳ mà vụ án với tử tù Nguyễn Văn Chưởng xảy ra:
"Vụ án này xảy ra trong thời kỳ mà dân bị o ép rất ghê gớm, bây giờ còn đỡ, chứ thời kỳ 2007-2008 là đen tối lắm, cho nên họ bị tra tấn, bức cung, có biết thì cũng không nói ra.
"Nhưng bây giờ tình hình khác rồi thì những đại biểu Quốc hội làm việc với Hải Phòng là phải làm việc hết sức trách nhiệm, phải lật đi, lật lại để cho Công an Hải phòng không thể trả lời được và phải buộc điều tra lại...
"Còn nếu bây giờ đoàn Quốc hội mà làm việc với Công an Hải phòng mà họ cứ báo cáo là đúng người đúng tội rồi, mà lại cũng OK, vui vẻ với nhau, rồi thậm chí có khi lại cầm cả phong bì về, thì đúng là người ta chết oan thật."
'Vô hiệu hóa nhân chứng?'
Gia đình của ông Nguyễn Trường Chinh đã kêu cứu cho con trai trong suốt 6-7 năm.
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy cũng đặt câu hỏi với Ủy ban Tư pháp Quốc hội:
"Bây giờ vấn đề là đoàn đại biểu Quốc hội có dám làm việc độc lập hay không, có cứng rắn hay không? Hay lại nghe theo xu hướng bên trên như thế nào, rồi thì theo, bên trên bảo thôi thì cũng thôi?
Tôi nghĩ rằng như thế cũng không đạt được điều gì cả."
Ông Thụy nói hiện tại một nhân chứng mà ông cho là 'quan trọng' của tử tù Nguyễn Văn Chưởng lại mới bị bắt và đặt dấu hỏi liệu điều này có liên quan tới việc ai đó không muốn cho đoàn điều tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được gặp nhân chứng để có thông tin điều tra hiệu quả.
Ông nói với BBC:
"Ông Chinh (bố tử tù) vừa ở nhà tôi về, ông có cho tôi một thông tin là anh Trần Quang Tuất vừa bị bắt, đấy là một nhân chứng đầu tiên bị đánh, lên ký xác nhận cho Nguyễn Văn Chưởng là tối hôm 14/7/2007 là có về quê, nhưng sau đó họ (Công an) bắt ráo cả lên, mấy người sợ quá cũng phải ký lại theo họ thôi.
Nếu bây giờ vào thời điểm này, thời điểm dấy lên về vụ Nguyễn Văn Chưởng, anh Tuất là một nhân chứng sáng giá nhất trong vụ án này, thì liệu vấn đề họ bắt anh Tuất để vô hiệu hóa lời xác nhận của anh Tuất hay không, thì điều này tôi cũng chưa rõ
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy
"Trong khi đó anh Tuất lên cũng bị khủng bố, tra, đánh anh Tuất và khủng bố tinh thần, đầu tiên khăng khăng 'chứng nhận của tôi', nhưng sau đến 6 giờ chiều, không chịu đựng được nữa thì phải khai theo ý họ và họ cho về, nhưng sau này về anh ấy xác nhận lại 'đấy là do tôi bị đánh, bị khủng bố tinh thần, tôi không chịu được tôi khai, nhưng bây giờ lương tâm tôi day dứt quá, nên bây giờ buộc tôi phải nói cho đúng sự thực.
"Ông Chinh vừa cho tôi biết là anh Tuất bị bắt rồi, anh Tuất hình như có dính vào một vụ nào đó, như cờ bạc, nho nhỏ thôi, trước đây cơ, nhưng họ không động đến, họ chắc chỉ lập hồ sơ để đấy thôi, chứ không phải truy tố gì cả, chưa đến mức độ truy tố, nhưng họ cứ để để kiềm chế anh Tuất...
"Nếu bây giờ vào thời điểm này, thời điểm dấy lên về vụ Nguyễn Văn Chưởng, anh Tuất là một nhân chứng sáng giá nhất trong vụ án này, thì liệu vấn đề họ bắt anh Tuất để vô hiệu hóa lời xác nhận của anh Tuất hay không, thì điều này tôi cũng chưa rõ."
Gần đây, hôm 12/12, liên quan một vụ tử tù khác kêu oan, Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công văn hỏa tốc đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu báo cáo về vụ kêu oan của tử tù Hồ Duy Hải, người đã bị Tòa phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh tuyên án tử hình.
Tử tù này mới được đề nghị hoãn thi hành án vào phút cuối sau khi có nhiều đơn thư phản ánh của quần chúng, đại biểu Quốc hội đặt dấu hỏi về nhiều dấu hiệu vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
'Hy hữu, mới lạ'
Hôm 12/12/2014, Phó Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc gửi công văn hỏa tốc về vụ tử tù Hồ Duy Hải.
Hôm thứ Tư, luật sư Trần Thu Nam bình luận với BBC về khả năng, xác xuất thay đổi các bản án tử hình với các tử tù này.
Ông Nam nói: "Thực ra với việc một vụ án sau khi đã tuyên án, một bị cáo đã bị tuyên án tử hình, sau đó có đơn xin ân xá gửi Chủ tịch Nước mà Chủ tịch Nước đã bác đơn đó, không cho ân xá, sau đó để xem xét lại thì ở Việt Nam nói chung là thực sự hy hữu.
"Trong nhiều năm làm nghề của tôi, tôi thấy chưa có trường hợp nào Chủ tịch Nước mà đã bác rồi mà có thể không thi hành án tử hình nữa, xem xét lại được vụ án, chỉ trừ khi có những trường hợp hy hữu đặc biệt ví dụ như là đang chờ tử hình mà phụ nữ đột ngột có thai chẳng hạn, đấy nằm trong vấn đề về luật rồi.
"Thế còn việc đã bác đơn rồi mà không tử hình nữa, phải nói rằng ở Việt Nam rất hy hữu. Các cơ quan đã xem xét rồi, bây giờ xem xét lại thì tôi nghĩ rằng đây là hiện tượng lạ, mới lạ ở Việt Nam."
Luật sư cũng cho BBC hay về tình trạng 'án oan sai' trong thực tế điều tra, xét xử ở Việt Nam và đâu là nguyên nhân chính.
Việc đã bác đơn rồi mà không tử hình nữa, phải nói rằng ở Việt Nam rất hy hữu. Các cơ quan đã xem xét rồi, bây giờ xem xét lại thì tôi nghĩ rằng đây là hiện tượng lạ, mới lạ ở Việt Nam
Luật sư Trần Thu Nam
Ông nói: "Vừa rồi Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đã thấy rằng dấu hiệu oan sai trong tư pháp Việt Nam nó xảy ra rất là nhiều và rất nghiêm trọng, cho nên họ cũng đã có văn bản chỉ đạo rà soát lại tất cả những vụ án cho là oan sai. Nếu có những vụ án kêu oan, oan sai, thì họ sẽ rà soát lại để xem xét lại vấn đề xét xử ở Việt Nam thời gian trước đây nó đã đúng người, đúng tội hay chưa và các vụ án có thực sự oan hay không.
"Nguyên nhân và lý do vì sao xảy ra án oan sai thì có rất nhiều nguyên nhân và điều kiện dẫn đến những trường hợp oan sai, thứ nhất là về quy trình tố tụng ở Việt Nam tôi cho rằng nó chưa chuẩn. Oan sai liên quan đến các vụ án hình sự, ở đây cơ quan đầu tiên là điều tra, công an là cơ quan điều tra, và cũng chính cơ quan này quản lý trại tạm giam.
"Trình độ chuyên môn của kiểm soát viên ở Việt Nam còn kém, cho nên tất cả những vấn đề về phê chuẩn về khởi tố, tạm giam rồi truy tố của Viện Kiểm sát, người ta cũng còn yếu. Trước hết phải xem xét quy trình tố tụng ở Việt Nam, tôi nghĩ là chưa chuẩn.
"Và quyền hạn của công an, của cơ quan điều tra, tôi nghĩ là quá lớn. Và nhiều vấn đề khác về trình độ chuyên môn, về quá tải về nhiều mặt nữa và có cả tiêu cực dẫn đến những trường hợp oan sai," luật sư nói với BBC.
BBC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét