Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Lạm thu học phí và ngã ba đường nghề của nhà giáo Việt Nam


Lạm thu học phí và ngã ba đường nghề của nhà giáo Việt Nam

Đăng bởi Ha Tran on Tuesday, October 10, 2017 | 10.10.17



Năm 2017 này, về cơ bản cả ngành giáo dục có “tinh hoa không rởm” nào thì đã lòi ra tất cả. Bộ mặt của trường học giờ đây mang tính thương mại quá nặng nề, phân chia hai cực đối kháng rất rõ rệt: một bên là nhà trường luôn muốn tăng thu, một bên là học sinh luôn muốn giảm thu, và người giáo viên không biết ủng hộ bên nào.




Tổng quan


Năm 1991, chế độ cộng sản ở Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự hoang mang tột độ trong lòng xã hội Việt Nam. Các cố vấn đã đề xuất rằng chỉ giữ lại giáo dục miễn phí và y tế miễn phí mà thôi, còn lại mọi ngành nghề phải đi theo con đường tư bản phương Tây đã đi. Tuy nhiên tổng bí thư, thủ tướng ... không  nghe lời tư vấn này. Niềm tin vào lý tưởng cộng sản trong xã hội Việt Nam thực ra đã chết lâm sàng từ năm 1991, sở dĩ còn kéo dài cho đến tận bây giờ chỉ là do níu kéo sự đau khổ. Cho đến năm 2017 này, khi hàng loạt vụ lạm thu trong nhà trường bị mạng xã hội phát tán, nhân dân mới đặt dấu chấm hết cho tất cả. Lớp người còn lưỡng lự duy nhất, lớp người không biết phải phát ngôn và hành động thế nào chỉ còn lại như tầng lớp giáo viên.


Ngã ba đường nghề


Hai tầng lớp đối địch đã phân hóa rõ ràng trong nhà trường, đó là bên thu tiền và bên nạp tiền. Bên nào cậy thế sống vô đạo, bên nào đáng thương đưa thân ra cho người vặt lông, hẳn cứ trông vào kinh nghiệm kinh tế thì đã thấy rõ. Giáo viên chủ nhiệm là người hơn ai hết biết sự sai trái các khoản thu, họ đang lâm vào tình thế lơ lửng giữa ngã ba đường nghề, không biết nên rẽ trái hay rẽ phải.


Nếu họ rẽ phải, tức là rẽ về hướng bảo vệ học sinh, chống lại nhóm lợi ích giáo dục trong nhà trường. Đây là con đường mà các nhà giáo chống tiêu cực học đường như Đỗ Việt Khoa, Vũ Hùng...đã đi. Tất cả những người này đều bị xây xát, đều bị phe tư bản giáo dục trù dập một thời gian, nhưng rồi cũng vượt qua mọi nguy nan. Lựa chọn đứng về học sinh đồng nghĩa với chống đối lãnh đạo trường, đó luôn là một lựa chọn khó, đòi hỏi lòng dũng cảm. Đa số giáo viên trên 40 tuổi mới dám bất chấp quyền lợi để lựa chọn bảo vệ học sinh như vậy, các thầy cô trẻ thì không dám phát ngôn, sợ bị mất sự nghiệp, mất luôn cơm áo gạo tiền bao nhiêu năm ăn học mới có được tấm bằng sư phạm. Những người như Đỗ Việt Khoa, Vũ Hùng...là quá hiếm trong xã hội này.


Trường hợp giáo viên rẽ trái, tức là hùa theo hiệu trưởng, hùa theo ban giám hiệu mà thu tiền quá đáng lên học sinh. Một số người im lặng, tức cũng là đứng về phía kẻ gây ra bất công. Trong trường hợp này, mọi câu nói dạy dỗ tốt đẹp đối với học sinh đều là há miệng mắc quai. Anh khuyên học trò của anh dũng cảm, vậy tại sao anh lại rụt cổ đứng nhìn người lớn vặt lông thu tiền học sinh? Anh khuyên học sinh thật thà, tại sao anh luôn khen ngợi cấp trên mà anh thừa biết cấp trên đó là chuyên gia nói dối? Toàn những câu hỏi quặng lòng và dễ làm lay động niềm tin. Nhân đây cũng xin tổng kết, rằng ở Việt Nam chưa có một thập niên nào mà nhiều người sụp đổ niềm tin như thập niên này. Ngành giáo dục là nơi “thấu cảm” sự sụp đổ đó nhiều hơn bất kỳ ngành nào khác.


Nay có hàng trăm ngàn người giáo viên đang đứng giữa ngã ba đường như vậy. Câu hỏi có bảo vệ học sinh hay không thuộc loại trắc nghiệm Yes/No question, chỉ có hai lựa chọn, nhưng không dễ dàng trả lời một chút nào. Nhiều khi để đi đến một câu trả lời dứt khoát, người ta phải trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm tàn khốc.


Kiều Phong


(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét